Già A Blếch thử chiêng.
Bộ cồng chiêng cổ gồm 8 chiếc được cất giữ cẩn thận. Nâng niu từng chiếc chiêng đồng, già A Blếch tự hào: “Đây là báu vật của làng mình đấy! Làng mình chỉ còn duy nhất bộ này, nó được giữ lại bằng tiền của, mồ hôi của bà con trong làng”.
Nói rồi già A Blếch kể lại câu chuyện 37 năm trước. Vào mùa khô 1981, dân làng gặp nạn đói. Lúc đó, có người lạ từ đồng bằng lên mua bộ cồng chiêng cổ với giá 10 cây vàng, gia đình giữ chiêng nhận lời và nhận 1 cây vàng đặt cọc. Nghe tin bộ cồng chiêng cổ sắp mất cả làng buồn sầu, lo lắng. “Mất chiêng như mất linh hồn”, rồi đến mùa lễ hội, cúng lúa mới, bỏ mả... lấy cồng chiêng đâu mà đánh? Nhất là bọn trẻ sau này không còn biết đến cồng chiêng và văn hóa của người Gia Rai theo đó mà mai một”. Già A Blếch đi đến từng nhà, đặc biệt là người già huy động bà con trong làng góp tiền của, đi mượn vàng để chuộc lại chiêng.
Giờ đây, mỗi khi mang chiêng ra đánh, tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang liên hồi, âm thanh có sức lôi cuốn kỳ lạ, làm lay động lòng người, mà theo cách nói của già A Blếch: “Tiếng nghe hay hơn các tiếng cồng chiêng khác, bởi nó có sự cộng hưởng tấm lòng và công sức của người dân trong làng”.
Sau khi giữ được “báu vật” của làng, già A Blếch lại mở lớp dạy kỹ năng đánh cồng chiêng miễn phí cho trẻ, mong lớp trẻ biết đánh cồng chiêng để lưu truyền văn hóa. Hiện nay, điều già A Blếch tự hào không chỉ có bộ cồng chiêng cổ mà cả những đội đánh cồng chiêng đủ mọi lứa tuổi của làng.
Chia tay làng Kon Ktủh khi chiều đã muộn, nhưng tiếng cồng, nhịp chiêng sẽ mãi ngân vang, như lời ông Trần Đình Trung - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Rẫy: Việc dân làng Kon Ktủh góp tiền chuộc chiêng thể hiện ý thức cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng trong nhân dân. Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành điểm nhấn du lịch, mời gọi, thu hút du khách từ nhiều nơi đến với miền quê giàu truyền thống này.
Sơn Tùng