Theo Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính), trên địa bàn cả nước, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích đất, nhà với tổng diện tích đất lên đến 1,5 tỷ mét vuông, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng; trong đó khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ mét vuông, bằng 80% tổng diện tích; tổng diện tích nhà lên đến hơn 100.000m2 với tổng giá trị khoảng 138.000 tỷ đồng. Riêng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà, đất rất lớn, nguồn đất chưa sử dụng khoảng 3.164 ha. Phần lớn đất công được giao cho các đơn vị thuộc những vị trí đắc địa ở các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp, tuy nhiên, tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích đang diễn ra phổ biến, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Theo tính toán, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm, ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD mỗi năm - một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh đất nước hiện nay để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Từ việc chính quyền cấp xã, thậm chí là cấp thôn, hợp tác xã tự ý cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền đến việc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn được Nhà nước giao nhiều đất nhưng để hoang hóa, để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh, thu lợi cá nhân đang phản ánh thực trạng quản lý đất đai lỏng lẻo ở nhiều địa phương. Ngay ở Hà Nội là nơi “tấc đất tấc vàng”, kết quả rà soát của Sở Tài nguyên- môi trường cho thấy có 30 cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang để hoang hóa hàng trăm ngàn mét vuông đất, biến thành khu dịch vụ tổng hợp gồm các quán bar, karaoke, nhà hàng, siêu thị, sân ten-nit, bãi giữ xe… Tình trạng này không chỉ ở Hà Nội mà còn xuất hiện phổ biến ở các thành phố, các tỉnh khác trên địa bàn cả nước. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý chặt chẽ đất đai và sử dụng có hiệu quả đất công, thời gian qua, các cơ quan chính quyền và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái tích cực và kiên quyết trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 12-2011, đã có 71 bộ, ngành T.Ư; 17 tổng công ty nhà nước và 51/53 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay, số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812 ngàn tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ chuyển nhượng , chuyển mục đích sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên 15.000 tỷ đồng; tuy nhiên còn nhiều đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng cũng như một số bộ, ngành cố giữ đất như Tập đoàn Vinashin nắm tới 1.200 ha đất chưa sử dụng nhưng rất chậm sắp xếp lại, không đề xuất bán để tạo nguồn mà chỉ muốn chuyển mục đích sử dụng để kinh doanh bất động sản…
Chuyện “dự án treo” và đất quy hoạch sân gôn tập trung ở các diện tích đất vốn là đất hai vụ lúa, đất “bờ xôi ruộng mật” không được sử dụng hiệu quả, bỏ hoang hóa rất nhiều, đang có nguy cơ thu hẹp mục tiêu giữ vững 3,8 triệu héc-ta đất lúa. Theo Bộ KH-ĐT, tính đến năm 2010, cả nước có 267 khu công nghiệp với tổng diện tích 72.000 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt gần 46%; ngoài ra, cả nước còn 28.000 ha đất của 650 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy bình quân cũng chỉ đạt 44%; trong đó chỉ tính riêng vùng ĐBSCL hiện có 20 khu công nghiệp lấn vào diện tích lúa với tổng diện tích 3.465 ha, diện tích cho thuê đạt 810 ha, chiếm tỷ lệ 22% gây nên lãng phí lớn về đất đai, nông dân thiếu đất sản xuất lương thực.
Dư luận xã hội đã lên tiếng về vấn đề này; nhiều địa phương đã có những chủ trương và biện pháp khắc phục như TP Hà Nội đã rà soát, thu hồi 820 ha đất “dự án treo”; tỉnh Long An trong ba năm qua đã thu hồi 57 dự án với tổng diện tích 3.085 ha đất và hơn 280 ha đất trồng lúa bị quy hoạch làm sân gôn từ năm 2008… Nếu địa phương nào trong cả nước cũng quyết tâm thực hiện rà soát, thu hồi các dự án treo, dự án sân gôn không hiệu quả trả lại đất cho nông dân sản xuất lúa thì tình trạng lãng phí, sử dụng không hiệu quả các nguồn đất đai sẽ giảm đáng kể, mang lại lợi ích lớn cho quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng và từ chính sự tự giác đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích nhóm, lợi ích riêng đơn vị để đất nước ngày càng phát triển.
Quốc Huy