Tại hội thảo, đại diện của Việt Nam đã trình bày các luận cứ chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển. Đàm phán hoà bình đóng vai trò vô cùng quan trọng để tìm giải pháp cho các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán biển.
Các học giả cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian qua bao gồm sức hút của trữ lượng dầu khí và nguồn thuỷ sản khổng lồ, những yêu sách của Trung Quốc, vị trí địa chính trị mang tính chiến lược cũng như tuyến hàng hải huyết mạch trên vùng biển này. Nhiều học giả nhận định rằng, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy tại một số quốc gia liên quan, đặc biệt là tại Trung Quốc, khiến tình hình ngày càng phức tạp. Tranh chấp biển đòi hỏi cách tiếp cận hiện đại hơn, đôi bên cùng có lợi, và cách tiếp cận song phương của Trung Quốc hiện nay là không phù hợp.
Các lập luận cũng khẳng định COC cần được áp dụng song song với luật pháp quốc tế vì bộ quy tắc này có thể sẽ không giải quyết được tất mọi vấn đề và ngược lại. Trung Quốc cần thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Nếu Toà án trọng tài LHQ đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Phi-líp-pin, đòi hỏi của các bên liên quan tại Biển Đông sẽ được làm sáng tỏ dựa trên Công ước LHQ về Luật biển, tạo nền tảng cho quá trình đàm phán mà nhiều nhà quan sát cho rằng, là giải pháp lâu dài, khả thi duy nhất đối với tranh chấp pháp lý trên biển Đông.
Vụ kiện của Phi-líp-pin sẽ giúp xác định rõ ràng vấn đề đường 9 đoạn của Trung Quốc hiện được cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tình hình biển Đông đang cực kỳ căng thẳng, nhưng đang đứng trước khả năng tạo ra bước đột phá. Việc Phi-líp-pin kiện Trung Quốc ra Toà án trọng tài LHQ tạo cơ hội để phá vỡ bế tắc trong đàm phán và góp phần làm sáng tỏ vấn đề lớn nhất về cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, không có cơ sở pháp lý, điều này sẽ tạo ra một nền tảng mới trong quá trình đàm phán về tranh chấp biển.
Nhìn nhận về các giải pháp tại Biển Đông, điều tối quan trọng là phải tìm cách giải quyết vấn đề một cách hoà bình, tránh dùng vũ lực. Để làm được điều này, trước tiên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như những chuẩn mực và thông lệ đã được thừa nhận, phải ổn định tình hình, không để căng thẳng và tranh chấp leo thang thành một cuộc khủng khoảng lớn, cần xây dựng một khung để các bên liên quan có thể ngồi lại và tìm cách phối hợp hành động.
Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quy trình lâu dài, đòi hỏi các bên phải kiên nhẫn và tích cực.
Phan Thúy