Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh xã hội đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo đánh giá về thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 đối với BHXH bắt buộc, từ 1-1-2008 đối với BHXH tự nguyện và từ 1-1-2009 đối với Bảo hiểm thất nghiệp). Các ý kiến đều cho thấy, Luật đã đảm bảo quyền lợi người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội. Vậy nhưng, cũng qua hội thảo này cho thấy, vướng mắc lớn nhất cần được giải quyết để đảm bảo thực hiện tốt Luật BHXH lại chính là việc… nợ đọng BHXH của người lao động và cơ quan doanh nghiệp sử dụng lao động.

Tính đến nay, sau gần hai năm thực hiện Luật BHXH, nhìn chung, chủ sử dụng lao động cũng như người lao động đều đã nắm được nội dung cơ bản của Luật BHXH. Ngoài loại hình BHXH bắt buộc, Luật BHXH đã quan tâm đến loại hình BHXH tự nguyện, Bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động mọi thành phần kinh tế được tham gia để cùng thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi về BHXH, hàng chục triệu người lao động đã, đang và sẽ hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp BHXH từ nguồn quỹ BHXH này. Từ ngày 1-1-2007, Luật BHXH có hiệu lực thì số người, số đối tượng tham gia các loại hình BHXH đều tăng. Năm 2006, có 6,745 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, năm 2007 là hơn 8,12 triệu người và năm 2008 tiếp tục tăng lên là 8,52 triệu người, chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, từ khi thực hiện BHXH tự nguyện đến nay, đã có trên 6.200 người tham gia. Đóng BHXH để nhận lương hưu khi đã hết tuổi lao động đã trở thành cứu cánh cho người lao động khi về già. Tiền nộp BHXH do Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp để đảm bảo an sinh xã hội cho mỗi người lao động. Lương hưu của người lao động không phải tự nhiên mà có, ấy là chuyện đương nhiên. Vậy mà, Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hiện nay, số tiền nợ đọng BHXH ở nước ta là rất lớn. Tính đến hết năm 2008, số nợ đọng BHXH trên toàn quốc là hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 266 tỷ đồng so với năm 2007. Vấn đề đặt ra là, chuyện nợ đọng BHXH cứ mỗi năm mỗi tăng, tác động xấu đến Quỹ bảo hiểm xã hội của cả nước nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Giải quyết bài toán này khá phức tạp, các cơ quan quản lý chức năng đã có nhiều “ đơn thuốc”, song vấn đề vẫn chưa chấm dứt.

Trên thực tế, ngành BHXH đã được giao quyền xử phạt những đơn vị nợ đọng BHXH, song các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh; mức phạt còn thấp, dẫn đến chuyện doanh nghiệp vẫn trốn tránh, lách luật. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn dùng tiền đóng BHXH gửi Ngân hàng hoặc chiếm dụng vốn quay vòng để lấy lãi trả tiền phạt hành chính về chậm đóng BHXH, không thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Một số lý do khác có phần khách quan hơn như do phương thức trả lương hai kỳ của doanh nghiệp thường kéo dài đến đầu tháng sau nên các đơn vị này chậm đóng một tháng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. ở một số địa phương, người lao động ở tỉnh ngoài về thành phố làm việc thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên chỉ quan tâm đến thu nhập trước mắt mà ít chú ý đến các chính sách an sinh xã hội. Lực lượng thanh tra lao động vừa thiếu, vừa yếu cũng là một nguyên nhân quan trọng của vấn đề này.

Giải quyết bài toán nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đang rất cần sự tham gia và quyết tâm của các ngành chức năng, của các doanh nghiệp và bản thân người lao động. Không thể để mãi tình trạng lợi ích cá nhân, lợi ích riêng của doanh nghiệp làm tổn hại đến nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội nói chung và quyền lợi thiết thực, hợp pháp của người lao động nói riêng. Bên cạnh tính pháp quy là tính tự giác, là nghĩa vụ của các doanh nghiệp và người lao động để vấn đề nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động được giải quyết tốt đẹp.

Vân Anh