Dự Lễ khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất, tối 28/11 tại thị xã Vị Thanh tỉnh Hậu Giang có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng, lãnh đạo nhiều Bộ, Ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo đồng bào tỉnh Hậu Giang. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các vị khách quý, đồng chí, đồng bào dự Festival lúa gạo tại tỉnh Hậu Giang, nơi mà cách đây hàng trăm năm, bên dòng Kinh xáng Xà No-con đường lúa gạo của miền Hậu Giang, đã chuyên chở những chuyến gạo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩuTheo Thủ tướng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn về sản xuất lúa gạo. Ngành sản xuất lúa gạo gắn liền với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. Cây lúa, hạt gạo có vị trí rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của người Việt Nam.
Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực. Trong hơn 20 năm qua, năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam đã tăng gấp khoảng 2 lần, hiện nay năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha một vụ, sản lượng cả năm đạt gần 39 triệu tấn. Sản xuất lúa gạo phát triển đã đưa Việt Nam từ một nước nhiều năm triền miên thiếu lương thực trở thành một nước không những có đủ lương thực cho nhân dân, mà còn xuất khẩu với số lượng trên 70 triệu tấn gạo mang về cho đất nước gần 20 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Hoan nghênh tỉnh Hậu Giang đã có sáng kiến và chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương và Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD II) cùng các nhà tài trợ tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là việc làm rất có ý nghĩa, tạo điều kiện để các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nhà nhập khẩu, phân phối, người tiêu dùng, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh. Đồng thời đây cũng là dịp tiếp tục tôn vinh những giá trị của nền văn minh lúa nước, của cây lúa và người trồng lúa Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh lúa gạo, đẩy mạnh xuất khẩu gạo gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam. Cây lúa đã trở thành cây lương thực chủ lực, với sản lượng chiếm trên 90% sản lượng cây lương thực có hạt, liên quan đến việc làm và thu nhập của khoảng 80% số hộ nông dân Việt Nam. Lúa gạo hiện cung cấp tới 70% năng lượng trong khẩu phần ăn của người dân. Vì vậy cây lúa hạt gạo luôn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khả năng tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên sản xuất và kinh doanh lúa gạo Việt Nam còn không ít bất cập, yếu kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, chưa đảm bảo đủ giống tốt, cơ giới hoá trong sản xuất còn thấp, tỷ lệ thất thoát còn cao; tổ chức canh tác và thu mua, chế biến, bảo quản và kinh doanh tiêu thụ còn nhiều yếu kém. Đời sống người trồng lúa còn nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh, thị trường xuất khẩu, biến đối khí hậu đặc biệt là nước biển dâng mà Việt Nam được dự báo là một trong số ít các nước chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi bà con nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, cùng với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng nhau nỗ lực khắc phục những hạn chế và yếu kém, mà trước mắt khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, phát huy tốt nhất tiềm năng lợi thế để phát triển mạnh, bền vững, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh lúa gạo, cải thiện tốt hơn đời sống của người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xây dựng nông thôn ngày càng văn minh hiện đại. Đồng thời chủ động xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Nhân dịp này, Thủ tướng chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ to lớn hơn nữa của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển lúa gạo nói riêng của Việt Nam. Theo VGP A,Hoàng