Tuy nhiên, ai cũng có nỗi lo: Liệu cuộc vận động xây dựng Đảng lần này có được tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để, vì nếu chỉ nửa vời “đánh trống bỏ dùi”, thì sẽ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng. Do vậy, theo chúng tôi, muốn Nghị quyết T.Ư 4 trở thành hiện thực thì chủ yếu nhất, Đảng phải mở một đợt chỉnh huấn thật nghiêm ngặt, đưa tinh thần và nội dung nghị quyết thật sự thấm sâu và thấm đầy đủ trong tư tưởng từng cán bộ đảng viên, làm cho mỗi cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp thật sự thức tỉnh, tự thấy mình đang có bệnh gì để tự điều trị, tự chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống.
Cần phải quán triệt phương châm chỉ đạo của Đảng nhằm bảo đảm cho cuộc vận động đạt đến mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, không để cuộc vận động rơi vào trạng thái cực đoan, tự mình làm rối nội bộ Đảng, gây sơ hở cho các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng. Nếu không, việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Với 3 vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bắt đầu từ vấn đề thứ nhất: kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… vì đây là điều có ý nghĩa chi phối và quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Có được một thế hệ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch vững mạnh, ta mới có cơ sở để xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, từ đó mới nâng cao năng lực lãnh đạo - chỉ đạo - quản lý của các cấp ủy và chính quyền.
Quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4 đã xác định. Tuy nhiên, cần phải có trọng tâm “giải pháp về tự phê bình, phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên” và bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Làm tốt bước này là cơ sở để xem xét, đánh giá, sàng lọc, quy hoạch và bố trí cán bộ của cả hệ thống chính trị, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm giải pháp khác được thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 cần hết sức coi trọng các biện pháp tổ chức như chuẩn hoá cán bộ, phát huy dân chủ thông qua quy chế chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, thực hiện tốt các mặt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử… Đồng thời cần coi trọng các giải pháp về cơ chế - chính sách. Qua thực tiễn, ta thấy chính các biện pháp tổ chức và cơ chế - chính sách nói trên luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc biến đổi đường lối, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, giúp cho các cuộc vận động không rơi vào tình trạng hình thức.
Trong từng vấn đề, ta cần thận trọng, đề cao cảnh giác, không để phát sinh các hệ lụy xấu từ mặt trái của vấn đề ví như: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND dễ dẫn đến lạm quyền độc đoán; giao cho bí thư chọn lựa ủy viên thường vụ, giao cho cấp trưởng quyền chọn lựa cấp phó dễ dẫn đến bè cánh, cục bộ; hoặc tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhưng lại để cơ quan kiểm tra, thanh tra lệ thuộc hoàn toàn vào cấp ủy, chính quyền cùng cấp sẽ dẫn đến vô hiệu hoá công tác kiểm tra, thanh tra. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, cấp trên làm tốt sẽ tạo thành tấm gương sáng, thôi thúc cấp dưới làm theo.
Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc hệ trọng, là quyết tâm lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng cầm quyền, cách mạng và khoa học, được toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất định, nghị quyết sẽ được thực hiện thành công.
Huỳnh Thiện Hùng (Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bình Phước)