Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Ðảm nêu rõ: Trong gần hai tháng qua, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thời gian tới, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dự kiến tổ chức hai hội nghị quan trọng khác để tiếp thu ý kiến góp ý của đại diện các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia. Hội nghị lần này góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của đại diện các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội, qua đó tiến hành tổng hợp và gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo đúng thời gian quy định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến góp ý và đề xuất vào nhiều điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết. Trong đó, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết và quan trọng của Ðiều 4 trong Dự thảo quy định về Ðảng Cộng sản Việt Nam, bởi không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với đất nước, dân tộc và nhân dân trong suốt hơn 80 năm qua. Có ý kiến đề nghị Ðiều 4 cần bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của Ðảng đối với những quyết sách quan trọng phát triển đất nước.

Một số đại biểu nêu rõ, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, ưu việt, đáp ứng sự phát triển của cuộc sống khi quy định về quyền con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển khoa học - công nghệ... Ðáng chú là Ðiều 120 (mới) của Dự thảo có quy định về Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, điều này mới chỉ quy định Hội đồng Hiến pháp có chức năng xem xét, kiến nghị... Như vậy là chưa đúng với vai trò và vị trí của Hội đồng Hiến pháp. Cho nên, đề nghị Dự thảo cần quy định Hội đồng Hiến pháp có quyền hủy bỏ những văn bản vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp.

Ðiều 9 quy định về MTTQ Việt Nam, trong đó khoản 3 có nêu: Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Về điều này, nhiều đại biểu đề nghị không nên dùng cụm từ "tạo điều kiện" mà cần thay thế bằng: Nhà nước bảo đảm... Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần khẳng định và làm rõ hơn nữa nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng Ðảng, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

Có đại biểu nêu ý kiến, trong Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định gia đình là tế bào xã hội... Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã không giữ quy định này. Ðây là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét bởi vai trò và vị trí của gia đình trong đời sống hiện nay vẫn rất quan trọng đối với đời sống xã hội, nhất là trong việc giáo dục, định hướng nhân cách, lối sống tốt cho trẻ em, học sinh, thanh niên. Vì vậy, đề nghị Dự thảo cần tiếp tục khẳng định gia đình là tế bào xã hội. Bên cạnh đó, Ðiều 40 đã quy định khá rõ nét và đầy đủ về quyền của trẻ em nhưng thiếu điều khoản về trẻ em khuyết tật. Trên cơ sở đó, đề nghị Dự thảo bổ sung và làm rõ hơn nữa vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

Ðiều 21 là Ðiều mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quy định: Mọi người có quyền sống. Về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là quá đơn giản, rất khó vận hành trong thực tế cuộc sống, vì vậy cần được bổ sung cụ thể và rõ ràng hơn. Cũng như vậy, Ðiều 50 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 80) quy định: Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế. Góp ý với Ðiều này, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ, chính xác và đầy đủ hơn nữa, tránh tình trạng quá ngắn gọn nhưng không đủ nghĩa.

  • Cùng ngày, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ bảy để đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi nghe giới thiệu những nội dung mới trong Dự thảo, nhiều thành viên Ủy ban đã đóng góp nhiều ý kiến về hầu hết các nội dung của bản Dự thảo, nhất là những nội dung mới liên quan kinh tế. Có ý kiến cho rằng, Ðiều 54 của Dự thảo (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 25 của Hiến pháp hiện hành) bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" là không hợp lý. Về địa vị pháp lý của các Ủy ban của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị giữ như hiện hành. Ðối với Chương X quy định về: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, có ý kiến đề nghị: Hội đồng Hiến pháp nên đổi là Tòa án Hiến pháp; bỏ quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, vì không cần thiết; và quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của QH.

Theo NDĐT (TH)