*Một góc Di tích lịch sử đồn Cao.
*
Đồn Cao nằm trọn trên quả đồi có độ cao 61m, tổng diện tích trên 145.000 m2. Từ đồn Cao có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang Tây của thị xã Đông Triều. Sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1896, thực dân Pháp tổ chức cho xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cho việc thống trị và khai thác, vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều cùng các vùng phụ cận.

Sáng mùng 8-6-1945, đồn Cao bị nghĩa quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bình đánh chiếm, mở đầu cho cao trào Cách mạng Tháng Tám trong toàn vùng. Tại đây, thay mặt Trung ương, đồng chí Nguyễn Bình tuyên bố thành lập Chiến khu kháng chiến Trần Hưng Đạo hay còn gọi là Đệ tứ Chiến khu.

Từ năm 1947, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đông Triều, trong đó có đồn Cao. Chiếm đến đâu, chúng cho xây dựng, củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh đến đó, nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế đường 18, Hà Nội - Quảng Ninh. Sau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ta giải phóng Đông Triều, giành lại đồn Cao.

Trải qua thời gian dài, các công trình thuộc đồn Cao Đông Triều đã bị phá hủy khá nhiều, chỉ còn lại nhà ở của quan Ba, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù Cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm...

Ngày 24-5-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đồn Cao Đông Triều là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

**Nguyên Phong
**