Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định Dự thảo được chuẩn bị công phu, phù hợp với giai đoạn phát triển của Việt Nam hiện nay và phù hợp với xu thế của thế giới. Những điểm mới trong Dự thảo đã thể hiện và đáp ứng được mong đợi của nhân dân, phù hợp với Cương lĩnh chính trị của Đảng đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay. Một trong những bước tiến quan trọng là việc đổi tên Chương V Hiến pháp năm 1992 về Quyền và nghĩa vụ của công dân thành Chương II "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" ngay sau Chương "Chế độ chính trị."

Đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 Dự thảo, các đại biểu nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng hoạt động và lãnh đạo theo cương lĩnh, nghị quyết, điều lệ, quy chế, các quy định của Đảng. Đảng cũng xác định hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đảng không đứng trên pháp luật, không đứng ngoài pháp luật, do đó không cần một đạo luật riêng cho Đảng.

Tập trung góp ý về Điều 9 Dự thảo, quy định về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp: Mặt trận Tổ quốc là một bộ phận của hệ thống chính trị và làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, do đó nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong Dự thảo. Đối tượng của giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.

Đối tượng của phản biện xã hội là những dự thảo chủ trương của Đảng, dự án và các chính sách, pháp luật của nhà nước trước khi ban hành. Liên quan đến quy định tại khoản 3, Điều 9, đa số đại biểu thống nhất thay cụm từ “Nhà nước tạo điều kiện” bằng cụm từ “Nhà nước bảo đảm điều kiện” tại khoản 3 của Điều 9 để tránh tạo cơ chế xin-cho đồng thời đảm bảo không chỉ về mặt kinh phí mà cả về chủ trương, cơ chế, chính sách.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi, những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Về kỹ thuật lập hiến, cần sử dụng từ ngữ thuần Việt để người dân dễ đọc, dễ hiểu; nội dung ngắn gọn, cô đọng./.

Theo Vietnam+

(TH)