Đợt tăng giá thuốc cuối năm tạm lắng chưa lâu thì cách đây vài ngày, các đại lý lại nhận được thông báo điều chỉnh nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Pháp, Hungary... của các công ty nhập khẩu, phân phối dược phẩm. Ngoài ra, nhiều hãng dược trong và ngoài nước cũng thông báo sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng biệt dược, kháng sinh, giảm đau và một số loại vitamin.
Chẳng hạn, Medocalm (trị xương khớp, giảm đau), Methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch), Estrogen (điều trị nội tiết), Arcalion, Cavinton, Duxil (thuốc tuần hoàn não), Digoxin, Ednyt (trị huyết áp, tim mạch), Trivastel (thuốc thần kinh).... đều đã được thông báo điều chỉnh tăng giá 5%- 20%. “Bản thân những loại thuốc này giá đã rất cao, có những loại thuốc giá bán từ 500.000 - 700.000 đồng/hộp vì thế khi giá được điều chỉnh từ 10%-20%, người bệnh phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho một đợt điều trị”- chị Hà phân tích.
Nhiều mặt hàng thuốc nội cũng chạy đua tăng giá. Chẳng hạn như bổ phế trước đây bán chỉ 12.000 đồng/lọ nhưng mới đây giá nhập vào đã vọt lên 14.000 đồng/lọ, thuốc ho Bảo Thanh cũng tăng thêm 3.000 đồng/hộp, Voltaren 75 mg tăng từ 68.000 đồng lên 80.000 đồng/hộp, Neotergynan từ 98.000 đồng lên 115.000 đồng/hộp, thuốc chống dị ứng Hydrocortison cũng tăng từ 25.000 đồng lên 28.000 đồng/lọ. Ngoài ra, một số mặt hàng kháng sinh nội, vitamin cũng đồng loạt tăng giá khoảng 5%-15%”- chị Phương phàn nàn.
Một chuyên gia dược phẩm cho rằng lấy lý do điều chỉnh tỉ giá để biện minh cho việc giá thuốc tăng đồng loạt là vô lý bởi mới đây, việc điều chỉnh tỉ giá mới được thực hiện, trong khi thuốc đã rục rịch tăng giá từ nhiều ngày trước đó. Nếu căn cứ vào kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam thì tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng được điều chỉnh tăng giá. Hơn nữa, tỉ giá USD/VNĐ chỉ tăng hơn 1.000 đồng, tính trên giá thành của hàng triệu viên thuốc là không đáng kể.
Quỳnh Anh (TH)