Phát triển KTXH đất nước, điều không thể không làm là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn trên thế giới và trong nước hiện nay. Qua ba năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự nỗ lực lớn của các cấp các ngành, thói quen và nhận thức của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, thị trường tiêu thụ hàng nội từng bước được mở rộng, tạo nên cơ hội lớn cho các nhà sản xuất trong nước phát triển sản xuất và lưu thông các loại sản phẩm nội địa.
Các con số thống kê cho thấy, ở nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… hơn 90% các loại mặt hàng Việt được bày bán và tiêu thụ trên thị trường, trong siêu thị lẫn các chợ truyền thống. Trước khi có cuộc vận động, 77% số người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hàng nhập khẩu thì nay đã có 71% số người tiêu dùng tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, để kết quả này mang tính bền vững và ngày càng lớn thì chúng ta còn nhiều việc cần làm, đầu tiên là chính từ các doanh nghiệp trong nước với chiến lược phát triển sản xuất và mở rộng thị trường theo định hướng lâu dài, bền vững, đầu tư cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và quảng bá thương hiệu.
Thành tích có nhiều, nhưng để tăng cường năng lực sản xuất và bảo vệ thương hiệu cho hàng hóa sản xuất trong nước còn nhiều vấn đề mang tính chủ quan, các cấp, các ngành cũng như mỗi người chúng ta cần thực hiện. Hiện nay, cả nước có khoảng 9.000 chợ truyền thống và hàng ngàn siêu thị lớn nhỏ, nếu khai thác tốt thì lượng hàng nội địa tiêu thụ là rất lớn, song lâu nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng sản xuất hàng xuất khẩu và hàng chất lượng cao cho người có thu nhập trên trung bình mà chưa chú ý phân khúc dành cho người có thu nhập thấp, nên hàng Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch, giá rẻ, chất lượng thấp tràn ngập khắp nơi, từ chợ truyền thống đến các siêu thị, có những mặt hàng chiếm tới 90% thị phần như hàng điện tử, đồ chơi, hàng lưu niệm, vải sợi, quần áo may sẵn, hoa quả… Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 81.105 vụ, xử lý 45.136 vụ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, thu phạt hơn 105 tỷ đồng…
Tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội cho thấy, thuốc sản xuất trong nước hiện nay đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng chữa bệnh của người dân với 234/314 hoạt chất và đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của WHO. Bên cạnh đó, chúng ta đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin đáp ứng cho các chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc xin bạch hầu, tả, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản… Nhưng theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì năm 2011, trong tổng số 18.500 tỷ đồng tiền mua thuốc ở các bệnh viện, thuốc ngoại chiếm hơn 11.300 tỷ đồng; tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các bệnh viện tuyến T.Ư chỉ chiếm khoảng 12%. Đây là một thực tế không chỉ trong ngành y tế mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác, ngành khác của đất nước ta hiện nay mà nếu thực hiện được đúng phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì kinh tế - xã hội nước ta sẽ cải thiện được rất nhiều, phát triển rất nhiều.
Những thành tựu đạt được qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được là rất lớn và mang ý nghĩa rất quan trọng. Để giữ vững và phát huy những kết quả này, củng cố nền kinh tế đất nước thì việc phải làm của các cấp, các ngành và mỗi chúng ta là rất lớn và lâu dài; tuy nhiên, chúng ta sẽ làm được và làm tốt.
VÂN ANH