Học sinh đang ngồi học trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hình thức đào tạo truyền thống gần như tế liệt, các xu hướng mới xuất hiện như hình thức học trực tuyến có tương tác trực tiếp qua các ứng dụng zoom, microsoft teams, oogle meet… ngày càng trở nên quen thuộc với người dùng. Trên thị trường kinh doanh trực tuyến, nhiều đơn vị đã nhanh chóng thay đổi, sản xuất các khoá học theo video bài giảng, tổ chức các khoá học tương tác qua ứng dụng. Hình thức này phù hợp với trẻ em học hằng ngày ở trường và người lớn có thể sắp xếp thời gian ổn định để tham gia các lớp tương tác trực tiếp. Tính thuận tiện trong việc học từ các nội dung sẵn có, truy cập dễ dàng bất cứ lúc nào là ưu thế được nhiều người lựa chọn.
Chỉ một thao tác tìm kiếm, không khó để bắt gặp các quảng cáo về các khoá học trực tuyến như: Khoá luyện thi tiếng Anh, khoá học kỹ năng con người, kỹ năng quản trị, bán hàng… 2 năm qua, trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 phải ở nhà, nhiều người tận dụng cơ hội để trang bị lại những kiến thức, kỹ năng cuộc sống cho bản thân nên các khoá học này thu hút lượng lớn người đăng ký tham gia. Khoá “Luyện giọng nói biểu cảm cùng NSƯT Hà Phương” - nguyên là phát thanh viên “gạo cội” của Đài Tiếng nói Việt Nam, nằm trong số đó. Người quan tâm có thể đăng ký tham gia với mức giá khá “mềm” (khoảng 500.000 đồng/khoá học). Người mua khoá học sẽ được xem trước trailer (giới thiệu) bài giảng. Ví dụ như bài giảng của NSƯT Hà Phương sẽ bắt đầu bằng lời xướng nổi tiếng “Đây là Tiếng Nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” rất cuốn hút. Bởi thế, khoá học này có lượng người quan tâm đông và đa dạng. Từ các nhà sư muốn rèn luyện giọng nói để giảng giải phật pháp; những doanh nhân, nhà chính trị thường xuyên phát biểu trước đông người; đến những bậc cha mẹ muốn sửa thói quen nói ngọng cho con…
Một khóa học diễn xuất đặc biệt khác là của cố NSND Hoàng Dũng (diễn viên, cố Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam) cũng thu hút khá nhiều người đăng ký. Ở đó, người quan tâm sẽ được xem video chia sẻ về kinh nghiệm khi bắt đầu được tuyển chọn, diễn xuất… từ kinh nghiệm thực tế của ông. Khoá học này trở thành di sản, tâm huyết mà NSND Hoàng Dũng còn để lại cho mọi người, khi ông đột ngột qua đời trong cơn bạo bệnh gần đây.
Ông Hà Ngọc Anh - Giám đốc Westudy (đơn vị sản xuất, kinh doanh khoá học trực tuyến) cho biết, những khoá học này được đóng gói thành video - từ đó có thể tiếp cận số lượng học viên không giới hạn. Người học có thể tham gia bài giảng bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu. Việc học hoàn toàn có thể thực hiện theo lịch trình của từng cá nhân, từ bất cứ nơi nào. “WeStudy bắt đầu thử nghiệm đưa sản phẩm như thế ra thị trường từ năm 2018 (năm 2019 doanh nghiệp mới thành lập). Từ chỗ khởi đầu với 4 thành viên cùng một trang web thử nghiệm và khoản đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, WeStudy đã nhanh chóng quay vòng, tái đầu tư cải thiện chất lượng sản xuất các khoá học, xây dựng nền tảng web thuận tiện, tốc độ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Doanh thu của chúng tôi liên tục tăng và Công ty được định giá 1 triệu USD vào năm 2020” - ông Ngọc Anh nói và cho biết thêm, dù trải qua hai đợt dịch nhưng lượng khách hàng đăng ký các khoá học trực tuyến của Công ty tăng đột biến hơn 200%. Chỉ với 10 nhân viên kinh doanh thực hiện từ xa nên hoạt động của Công ty không bị ảnh hưởng, không gặp khó khăn.
Giám đốc WeStudy chia sẻ: Từ năm 2011, khi chưa có khái niệm học trực tuyến, anh đã nảy ra mong muốn làm phim về một số nhân vật đặc biệt, những người có kho tàng kiến thức, văn hoá uyên thâm. Bởi khi được giao lưu với họ, anh đã được khai mở tâm trí, học được rất nhiều điều. Anh mong muốn làm phim để lưu giữ lại những giá trị tinh hoa, tài năng đó cho mình và lan toả cho cộng đồng.
“Ngoài kiến thức thì phong cách nói chuyện của họ cũng vô cùng cuốn hút. Hình ảnh, tiếng nói, cử chỉ có sức thuyết phục và truyền cảm hứng. Nếu chỉ viết một bài báo hay một cuốn sách thì sẽ không chuyển tải được những khía cạnh đó. Khi hình thức học online xuất hiện, những video đó sẽ là một công cụ vừa để lưu giữ, lại có thể lan toả tới cộng đồng” - Giám đốc Hà Ngọc Anh khẳng định.
Việc lựa chọn giáo viên cũng rất khắt khe, người được chọn phải là những người tiên phong hoặc những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đã được công nhận rộng rãi. Ví dụ như NSƯT Hà Phương, là người có 60 năm hoạt động trong ngành phát thanh, người mà giọng nói chắc ai cũng từng nghe nhưng hiếm ai được gặp và được học ngoài đời. Việc lựa chọn kỹ cả giáo viên đặc biệt, nội dung hay nhằm xây dựng một “bộ sưu tập” những kỹ năng, kỹ thuật, những tấm gương truyền cảm hứng về nhân cách và lao động.
“Tôi tin rằng NSƯT Hà Phương làm khoá học này không phải vì lợi nhuận. Ông làm vì muốn truyền giao lại những gì mình đã đúc kết cho thế hệ tiếp theo. Như chính ông nói: “Đây là cú sút cuối cùng trong cuộc đời sự nghiệp của NSƯT Hà Phương!”. Vì vậy, khoá học này không đơn thuần là một sản phẩm kinh doanh, nó còn có thể là một tư liệu lịch sử về con người đã dành thời gian hơn 60 năm cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp phát thanh” - Giám đốc Hà Ngọc Anh cho hay.
Hoàng Thanh - Anh Đức