Trần Công Thế - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Bắc Ninh
Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tiếp tục khẳng định giá trị tư tưởng to lớn và tấm gương đạo đức của Bác thông qua bản Di chúc thiêng liêng đã đi vào lịch sử gần nửa thế kỷ qua, đồng thời là dịp để mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại cơ quan, địa phương và chính bản thân mình đã làm được những gì theo lời căn dặn của Bác trong Di chúc.
Đất nước ta đang thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, ở các địa phương đang thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Vì vậy, hiểu đầy đủ về dân chủ và thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi dân chủ là báu vật quý nhất trên đời của nhân dân và thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, phức tạp ở từng giai đoạn cách mạng. Tư tưởng dân chủ của Bác rất dung dị, luôn gắn với những vấn đề thiết thực của cuộc sống đời thường nhưng lại có sức thuyết phục to lớn với mọi thành phần của xã hội và tạo được niềm tin với mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy khi qua đời, Bác đã để lại tình cảm sâu nặng với nhân dân trong Di chúc:“...Cả cuộc đời tôi chỉ mong muốn có một điều là làm cho nước nhà được độc tập, tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc và được học hành”. Theo Bác, dân chủ mà không mang lại lợi ích cho dân thì dân chủ đó là vô nghĩa, nếu để mất lòng dân là mất tất cả, đây là quy luật muôn đời.
Do hạt nhân của dân chủ là lợi ích cho nên nội dung hàng đầu của dân chủ ở cơ sở hiện nay là dân chủ về kinh tế, tiếp theo là dân chủ về chính trị. Liên hệ với thực tế ở bất cứ cơ quan, đơn vị hay địa phương nào nếu để mất dân chủ về kinh tế là tác động trực tiếp đến lợi ích, là phát sinh các vấn đề tham ô, tham nhũng, mất đoàn kết nội bộ. Đó cũng chính là cội nguồn của suy thoái đạo đức lối sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mối quan hệ dân chủ và luật pháp là gắn liền với nhau. Đây là mối quan hệ rất biện chứng. Theo Bác: Dân chủ gắn liền với pháp luật, không có pháp luật không thành dân chủ, ngược lại không có dân chủ thì pháp luật không có văn hóa. Để làm cho đúng luận điểm này, theo Bác có ba mối quan hệ quan trọng nhất trong mỗi con người phải giải quyết đó là: mình với chính mình, mình với người khác và mình với tổ chức. Bác viết: “Với chính mình phải thật nghiêm; với người thì rộng lòng khoan thứ; với tổ chức và công việc thì tận tâm, tận lực”. Liên hệ với hiện nay vẫn còn một số cán bộ làm ngược lại với điều Bác dạy. Với chính mình thì họ tự khoan thứ và buông thả, nhưng với người khác thì khắt khe, thậm chí không muốn cho nhau tiến bộ, không muốn cho cấp dưới vượt trội hơn mình.
Vấn đề dân chủ về trí tuệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là chiếc chìa khóa để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bác đã nêu quan điểm rất rõ ràng trong các lần họp T.Ư Đảng và căn dặn cấp dưới của mình phải hết sức dân chủ khi lựa chọn và sử dụng nhân tài. Bác nói: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng người có tài năng, người làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia, chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình”.
Làm theo Di chúc của Bác, học tập tư tưởng Hồ chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ, ở một số nơi hiện nay vẫn còn một số hạn chế khuyết điểm. Đó là bệnh giáo điều sách vở, dân chủ hình thức, dân chủ thiếu tập trung và thực hành dân chủ nhưng chưa gắn liền với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Có những bài giảng quán triệt Nghị quyết của Đảng, vấn đề liên quan đến dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì rất dễ hiểu và gần gũi với cuộc sống nhưng vì giảng viên mở rộng nhận thức một cách dàn trải lại trở thành xa lạ. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng khi quyết định những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, thì ý kiến của người đứng đầu thường được coi là ý kiến trung tâm để điều chỉnh sự thống nhất của tập thể, ý kiến phản biện hoặc trái chiều rất hiếm hoi. Một số cán bộ trước Đại hội, trước bầu cử thì gần dân, hứa hẹn nhiều để dân tin, nhưng khi đã yên vị ở cương vị mới thì xa dân và nhanh quên lời hứa. Những cán bộ như vậy, Bác Hồ gọi là những con “sâu mọt” hại dân chứ không phải là “người đầy tớ trung thành”.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là nhận thức về dân chủ của những tổ chức và cá nhân đó chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa làm được “cầu nối” giữa Đảng với dân, chính quyền với nhân dân, pháp luật với cuộc sống và chưa làm tròn trách nhiệm được giao trên cương vị của mình.
Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ đảng viên hãy học tập và làm theo tư tưởng dân chủ của Bác để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
TCT