Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Anh hùng LLVTND - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, là một vị tướng huyền thoại của dân tộc, là một lão thành cách mạng chân chính kính yêu của nhân dân, là một vị Tổng Tư lệnh tài ba, lỗi lạc của quân đội. Đại tướng là người có công lớn trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, xây dựng Nhà nước cách mạng từ buổi đầu non trẻ. Là một học trò, một cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, một vị tướng lừng danh trên thế giới. Là Bí thư Quân uỷ T.Ư, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp như: Chiến dịch Biên giới năm 1950; Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng đã cùng Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân cách mạng Việt Nam lên đỉnh cao sáng tạo, trực tiếp chỉ đạo chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện chiến trường miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt - đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội tháng 12-1972; chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân toàn thắng năm 1975. Đại tướng đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước ta đi đến đích vinh quang hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn là nhân vật lịch sử đứng hàng đầu trong gần trọn thế kỷ XX dữ dội và anh hùng của dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công sáng lập và xây dựng Hội CCB Việt Nam suốt 24 năm qua, kể từ ngày thành lập 6-12-1989. Đại tướng đã nhiều lần tham dự các kỳ Đại hội, đến thăm và huấn thị cho cơ quan T.Ư Hội và nhiều cơ sở Hội trong cả nước, gặp gỡ và thăm hỏi, động viên hàng vạn CCB tiêu biểu, nhất là anh chị em thương binh. Đại tướng luôn luôn nhắc nhở các thế hệ CCB phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng với 8 chữ vàng mà T.Ư Đảng trao tặng Hội: TRUNG THÀNH - ĐOÀN KẾT - GƯƠNG MẪU - ĐỔI MỚI.
Các thế hệ CCB Việt Nam vô cùng thương tiếc đau buồn khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Thương tiếc đau buồn nhưng vô cùng tự hào về cuộc đời hiển hách, trong sáng mẫu mực hiếm có của Đại tướng.
Đại thọ 103 tuổi đời, 88 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn một phần ba thế kỷ trực tiếp cầm quân, vị tướng huyền thoại, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam anh hùng luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: làm Tướng phải có đủ Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Tín.
Là Tướng Nhân, ông hết mực yêu thương, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào; lòng nhân hậu, khoan hòa và bao dung của ông với con người là vô tận.
Là Tướng Nghĩa, với Tổ quốc, với Đảng, với tư tưởng Hồ Chí Minh, ông luôn luôn trung thành vô hạn; với đồng chí, đồng đội, luôn trước sau như một, nhất mực thuỷ chung.
Là Tướng Trí, Đại tướng luôn luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt. Trong mỗi tình huống đều phân biệt rõ đúng sai, sử dụng đúng người, đúng việc; lúc khó khăn biết điều chỉnh chiến thuật, cân nhắc việc tiến, việc lui để tránh tổn thất cho binh sĩ và giành chắc phần thắng; lúc thời cơ đến quyết tập trung toàn lực, thần tốc táo bạo để giành thắng lợi hoàn toàn.
Là Tướng Dũng, dù kẻ địch có lắm súng nhiều tiền, dù kháng chiến có lúc gặp khó khăn tổn thất, vị Tổng Tư lệnh vẫn luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, chọn thời cơ và phương cách tiến công giành toàn thắng. Là vị Đại tướng đầu tiên của quân đội, Đại tướng vẫn xông pha nơi trận mạc, chỉ đạo chiến dịch, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện quyết tâm đánh thắng kẻ thù.
Là Tướng Tín, Đại tướng luôn trung thành vô hạn với con đường sáng mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng, giữ nhiều cương vị công tác khác nhau do Đảng và Nhà nước phân công, ở cương vị nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn thể hiện rõ trí tuệ, tinh thần, bản lĩnh và nghị lực của một chiến sĩ cộng sản kiên cường. Đại tướng là người có công trong việc tổng kết và đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào Cương lĩnh và Điều lệ Đảng.
Với toàn Đảng, ông là tấm gương sáng ngời nhất của một lão thành cách mạng suốt đời “dĩ công vi thượng”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, suốt đời “Học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”.
Với dân tộc, ông đã đi vào lịch sử nước nhà như một bậc Anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh với những võ công oanh liệt và để lại cho hậu thế kho tàng “binh thư yếu lược” đồ sộ của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Nhân dân ta coi ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất, là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “bậc chí sĩ hiền nhân, thương dân yêu nước”.
Quân đội ta coi ông là người Anh Cả hết sức mẫu mực, chân thành, là “Anh Văn” thân thương, là vị Đại tướng Tổng Tư lệnh tài ba, lỗi lạc.
Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ CCB Việt Nam khắc sâu hình ảnh của bậc anh hùng đã làm rạng rỡ non sông và dân tộc, nguyện đi theo con đường, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
NVĐ
Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ nụ cười hòa bình
Những đôi mắt đỏ hoe, những tiếng nấc nghẹn ngào… hàng nghìn người đi trong im lặng xếp hàng trước nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - số nhà 30 Hoàng Diệu để vào mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng đang cố nén nỗi đau trước sự ra đi của người Anh hùng dân tộc.
Thật hiếm có một đám tang nào mà ngàn người dân lại thiết tha về chia buồn đông như thế này. Chứng kiến cảnh những dòng người đến viếng, chúng tôi hiểu tình cảm của người dân Việt Nam với Đại tướng, thành kính đến nhường nào. Những dòng người từ khắp nơi đã về với ngôi nhà của Đại tướng, hàng đơn, hàng đôi kéo dài từ ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu đến sát gần Quảng trường Ba Đình. Có người cao tuổi, có bậc trung niên, có thanh niên, thiếu niên và cả các cháu nhỏ đi cùng ông bà. Hàng nghìn người đi trong im lặng. Có những người ở ngay Hà Nội và các tỉnh lân cận, có những người ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Nam không quản đường xá xa xôi hàng nghìn cây số. Lại có không ít những người nước ngoài. Người thì cầm trong tay một bông hoa cúc, có người lại một bó hồng. Không chen lấn, cứ tuần tự mà đi. Sáng sớm cũng như buổi trưa nắng, cũng như buổi chiều tà… Một lễ tang chung của toàn dân. Có những người đã được sống, chiến đấu cùng Đại tướng, có những người đã từng được gặp Đại tướng nhưng cũng có không ít người chỉ được biết Đại tướng qua các trang sách lịch sử nhưng ai cũng coi Đại tướng như người thân của nhà mình, cùng đến viếng Cụ, viếng Đại tướng, viếng người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Có người khóc Đại tướng như khóc cha. “Cha ơi, sang năm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi mà…”.
Đoàn cán bộ, nhân viên của cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó chủ tịch Hội (ảnh) dẫn đầu bình dị đi trong đội ngũ toàn dân vào chia buồn với gia đình Đại tướng thân yêu. Sự thành kính biểu hiện trên nét mặt mỗi người… Trong dòng người đi trong yên lặng đến viếng Đại tướng, chúng tôi đã gặp nhiều CCB. Đây, bác Nguyễn Đình Cự, 72 tuổi nghiêm trang trong bộ quân phục cũ với chiếc huy hiệu CCB Việt Nam lấp lánh trên ngực từ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đi chuyến tàu đêm qua ra Thủ đô Hà Nội, ngủ nhờ nhà người quen để đến thật từ sáng sớm; đây đại tá CCB Nguyễn Công Tân, 64 tuổi ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; đây bác Trịnh Thế Linh, 75 tuổi; đây bác Nguyễn Thị Định; đây bác Nguyễn Ngọc Xuân, 73 tuổi, người đã được gặp Đại tướng khi Đại tướng đến thăm đơn vị trong 12 ngày đêm năm 1972 chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội; đây chị Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi ở Hà Nội đang nghiêm chỉnh xếp hàng giữa dòng người chờ đến lượt. Bác Linh bảo tôi: “Lâu lắm rồi mới được xếp hàng như thời trong quân đội”.
Một CCB ngực đeo đỏ cuống huân chương trong dòng người làm tôi chú ý. Hỏi chuyện mới biết là bác Nguyễn Văn Chiến, nhà ở phường Thịnh Liệt (Hà Nội) đã vinh dự được một tuần phục vụ Đại tướng khi Đại tướng lên thăm đơn vị của Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường cho chiến trường miền Nam cuối năm 1971. Những kỷ niệm ấy đã gắn chặt với cuộc đời anh, sau đó anh đã có nhiều ký họa về Đại tướng, có bức được đăng trong tạp chí và hôm nay, anh kính cẩn mang cuốn tạp chí đó trao tặng cho gia đình Đại tướng. Và đây là gia đình Thiếu tướng CCB Nguyễn Xuân Sắc, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Phó giám đốc Học viện Chính trị quân đội. Hỏi chuyện mới biết, cả hai con trai và cô con gái của ông bà hiện đang là sĩ quan trong quân đội và gia đình ông có nhiều kỷ niệm với Đại tướng. Ông bà đang đưa hai cháu nội cùng đến viếng Đại tướng, kể cho các cháu nghe về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về truyền thống gia đình và truyền thống QĐND Việt Nam.
Biết bao CCB khác nữa trong dòng người như vô tận đang về đây trong những ngày này và biết bao CCB ở khắp mọi miền Tổ quốc đang gửi nhớ thương về Đại tướng kính yêu, cùng quyết tâm hoàn thành nguyện ước của Đại tướng. Bác Trần Phán, 73 tuổi, ở phường Yên Hòa (Hà Nội) xúc động nói với tôi: “Không chỉ riêng với tôi đâu, mà tất cả người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế đều tâm niệm Đại tướng là thần tượng của mình. Tuy chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng được đến cúi đầu tiễn biệt Đại tướng là tôi thỏa tâm nguyện lắm rồi. Kính lạy Người yên giấc ngàn thu. Đã có chúng con trên đất quê hương này”…
Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh những cụ già lưng đã còng nhưng vẫn chống gậy bước đến, đôi tay run run, hướng đôi mắt mờ nhòa lệ về phía nhà Đại tướng. Có ở đây những giờ phút này mới hiểu hết được lòng thành kính và tiếc thương của người dân với Đại tướng.
Con phố Hoàng Diệu mỗi lúc một đông người đến mặc niệm Đại tướng, nước mắt rơi tiễn đưa người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Trong những giây phút này, âm vang lời thơ về “Anh Văn” lại vang vọng trong tâm thức những người con dân Việt: "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai ”.
Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu