Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt về thăm chùa Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Đông (nay thuộc Hà Tây), nơi đồng chí Văn Tiến Dũng đã nương nhờ cửa Phật để hoạt động cách mạng 35 năm trước (tháng 3-1988).
Trước Cách mạng Tháng Tám, sau 2 năm bị chính quyền Pháp giam cầm ở nhà tù Sơn La vì hoạt động cách mạng, năm 1941 nhân lúc địch giải về Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã tìm cách trốn thoát vào Mỹ Đức, Hà Đông đứng chân hoạt động. Ở Mỹ Đức, ông gây dựng Lý trưởng làng Vĩnh Lạc là Nguyễn Viết Bảng (Lý Bảng) làm cơ sở.
Để dễ bề hoạt động, thời gian đầu, ông đứng vai chủ một xưởng mộc ở Kinh Đào, nhưng về sau thấy các nhân mối qua lại xưởng mộc dễ bị lộ, ông bèn gặp Lý Bảng nhờ tìm một ngôi chùa để nương náu cửa Phật hoạt động an toàn hơn. Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại chi tiết những ngày xuống tóc, vào chùa:
“… Lý Bảng dẫn tôi ra ngoài đồng quan sát chùa làng Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Đông). Chùa cách chỗ chúng tôi đang làm không xa lắm. Chùa này không có sư, vị trí tốt, một mặt quay vào làng, ba mặt hướng ra đồng trống, anh em cơ sở của ta ra vào rất thuận tiện, ít ai để ý. Nếu xin được, tôi sẽ cải trang làm nhà sư, trông nom chùa. Như vậy công việc hoạt động chắc kín đáo, sẽ tiếp tục phát triển được. Anh Bảng nghe tôi trình bày ý định, bật cười hỏi: “Thế anh định đóng vai sư thật?”. Tôi đáp: “Sư giả thôi chứ không phải sư thật”.
Thế là để chuẩn bị “đi tu”, tôi bí mật về chùa Quán Sứ ở Hà Nội mua một ít Kinh, chuyện về Phật và sách “Khóa tụng hàng ngày” để biết quy cách việc cúng tế của nhà Phật.
Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, ngày “nương cửa Phật” đã đến. Từ nhà anh Bảng ra đi, qua cánh đồng, tôi chui vào lùm cây rậm rạp, trút bỏ bộ quần áo thường, mặc bộ quần áo nâu sồng nhà chùa, bịt khăn che tóc. Tới chùa, tôi đủng đỉnh đi vào cổng, miệng “Nam mô a di đà Phật”. Bữa ấy nhằm ngày rằm, anh Bảng đã mời được một số hào lý trong làng và các vãi đến thắp hương lễ Phật. Trước đông đủ mọi người, tôi trang nghiêm đứng lên tự giới thiệu là người của Hội Phật giáo Trung ương, đã đi qua đây một vài lần, trông thấy cảnh hương lạnh khói tàn mà tâm không an, nay muốn xin dân làng ngôi chùa này, tu sửa lại để làm nơi thờ Phật và truyền bá đạo Phật.
Dân làng nghe thế, vui lòng làm giấy cúng chùa ngay. Khi các hào lý và các sãi về hết, cổng chùa đóng, Lý Bảng mới cười bò ra. Anh lột khăn, lấy dao cạo trọc đầu cho tôi. Tôi bật cười, nói đùa với anh: “Số mình kể cũng long đong. Trước đây bị cạo trọc đầu ở Sơn La, nay lại bị gọt đầu trước cửa Phật. Thì ra chữ “tù” liền với chữ “tu” một vần”… Từ sau bữa đó, ngày ngày tôi cũng giảng kinh, niệm Phật, gõ mõ, gióng chuông…, và chiều chiều cũng ra làm vườn, cuốc đất, cần cù và thầm lặng như những nhà tu khổ hạnh khác… Nhân dân Bột Xuyên rất có thiện cảm với các nhà sư. Các vị hào lý trong làng thường ra thăm, trò chuyện. Chỉ các cô gái là tinh nghịch hơn hết. Các cô nhòm nhòm, ngó ngó, rồi làm ra vẻ buồn bã, chép miệng: “Sư ông tân thời, răng trắng quá! Còn trẻ thế kia, không biết giận đời nỗi gì mà đi tu cho nó phí!”. Mấy hôm sau, tôi phải nói với anh Bảng: Kiếm giúp cho mình cái gì để bôi răng cho nó nhuôm nhuôm đi, kẻo vì răng mà có khi hỏng việc.
Nhưng cũng từ đó, tôi họat động dễ dàng hơn. Dưới tấm áo cà sa nhà sư, với cái cớ đi lễ và đi thăm Phật tử ở các nơi, tôi đi xuống các xã trong huyện, sang các huyện khác tìm hiểu tình hình và tuyên truyền gây dựng cơ sở.
Khi ấy các anh Lãng, Biều (hai đồng chí cùng hoạt động) vẫn tiếp tục làm thợ mộc ở Kinh Đào. Tết đã đến, tôi muốn triệu tập các anh về chùa để bàn công việc. Để giữ bí mật, tôi nói với các vãi cần sửa gấp cửa chùa bị hỏng, nhờ các vãi tìm cho vài anh thợ mộc. Nhờ các vãi, nhưng trong bụng biết rõ vùng nay không có ai là thợ mộc ngoài anh Lãng và anh Biểu. Quả nhiên đúng ngày 30 Tết, hai anh xách hòm đồ nghề tới chùa. Bước vào chùa, hai anh cũng chắp tay “Mô Phật!” hết sức kính cẩn. Chỉ một chút nữa cả ba chúng tôi đều bật cười, may mà kìm lại được.
Ngay hôm ấy, dưới bệ Phật nghi ngút khói hương, chúng tôi họp nhận định tình hình trong khu vực và bàn kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển phong trào. Chúng tôi nhất trí: Dân tình và địa thế ở đây rất có triển vọng, có thể tiến tới mở những cuộc luyện tập quân sự để chuẩn bị khởi nghĩa…
Các anh ra về. Cảnh chùa lại cô tịch. Với niềm hứng khởi, hồi tưởng lại những ngày và những gì đã qua, nay tự nhiên lạc vào cảnh hương khói ngạt ngào, đèn sáng lung linh. Nhìn lên tượng Phật uy nghi đức độ. Tiếng mõ đều đều cùng những câu kinh tụng niệm thành kính hiền hòa. Trong khoảng không gian ấy có lúc cõi lòng thấy như con người đã “thoát tục”. Từ trong cảm xúc này, tôi viết trong đêm Giao thừa năm đó bài thơ “Xuân dưới bóng từ bi”.
Ra Giêng, chúng tôi lại hăm hở lao vào tiếp tục mở rộng các cơ sở Việt Minh; hơn thế, còn dự tính tuyển chọn thanh niên cơ sở tốt để huấn luyện quân sự, chuẩn bị tiến tới thành lập những đội tự vệ chiến đấu.
Quần chúng đã tham gia phong trào, được giác ngộ rất hăng hái. Ảnh hưởng lan rộng ra cả những vùng xa. Hồi đó, các buổi tối, tôi thường luyện một số bài quyền để tăng cường thể lực và chuẩn bị hoạt động sau này. Do đó, có tiếng đồn “Sư ông chùa Bột võ nghệ rất cao cường”. Trong các cơ sở giác ngộ cách mạng có ông trùm trưởng đạo Thiên Chúa ở Vĩnh Lạc, từ chỗ ham mê võ nghệ của “sư ông chùa Bột” rồi cũng trở thành một cốt cán của phong trào Việt Minh trong xã, hoạt động rất hăng hái. Nhà thờ đạo cũng trở thành một trong những nơi lui tới, họp hành bàn việc nước trong những ngày sôi nổi ấy.
Phong trào càng lên, cơ sở cách mạng càng mở rộng, công việc của tôi ngày càng nhiều. Đến nỗi không còn nhiều thì giờ để “nhang khói”, “kinh kệ” ở chùa Bột nữa. Tôi phải luôn luôn xuống các cơ sở. Thường thường chỉ có mặt ở chùa Bột vào những ngày rằm, mồng một.
Thỉnh thoảng tôi lại về Hà Nội, vẫn với một niềm tin, hy vọng, may ra…
Riêng anh Biểu, tôi nhờ anh năng về thành phố hơn, tập trung vào một việc, cũng coi đó là một nhiệm vụ: Tiếp tục tìm mọi cách để bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Và anh đã thành công. Sang tháng 3-1943, một buổi chiều, khi tôi đang quét dọn trên chùa, thì anh Biểu đột ngột trở về. Anh ghé sát tai tôi thì thầm. Anh quá cảm động. Tôi cũng dường như không tin ở tai mình. Đã bắt được liên lạc với Đảng thật rồi sao? Một cái gì đó như một nỗi nghẹn ngào cứ dâng lên mãi, chẹn cứng lấy cổ họng tôi. Tôi không sao nói nên lời nữa.
Thế rồi hai hôm sau, một người “khách lạ” từ xa tới “xin viếng cảnh chùa và lễ Phật”. Đó là đồng chí Mộc, người được các đồng chí lãnh đạo ở trên phái về để biết đích xác có phải tôi không và chỗ ở của tôi.
Khoảng hai tuần sau, một hôm tôi đang cuốc đất trong vườn, chợt ngẩng nhìn từ xa có một người đang đi về phía chùa, tay cầm ô, vận áo the thâm, quần chúc bâu trắng đã cũ, đầu đội khăn xếp. Người khách tiến lại gần; tôi nhìn rõ thêm, anh có bộ ria nhỏ, chân đi hơi khập khiễng.
Thôi đúng rồi, anh Tự (tức Hạ Bá Cang, tức Hoàng Quốc Việt) ở Trung ương đã về với chúng tôi!...
Tôi vội bỏ cuốc, chạy ra. Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Tôi chỉ kịp thốt lên: Thế là tôi đã tìm về được với Đảng!”.
Duy Nguyễn biên soạn từ: “Đi theo con đường của Bác” của Đại tướng Văn Tiến Dũng