Trong tổng số 11 mẫu viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm A/H1N1 mà Viện nhận được thì chỉ 4 trường hợp có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Đến thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 đã không nguy hiểm như dự báo ban đầu. Tỷ lệ tử vong tại Việt Nam được công bố là 0, 45%. Tỷ lệ tử vong do cúm H1N1 đại dịch tương đương, thậm chí thấp hơn so với cúm mùa thông thường ở từng thời điểm khác nhau. Trước câu hỏi đặt ra, nếu đúng dịch cúm A/H1N1 bị thổi phồng thì Việt Nam đã bị lãng phí bao nhiêu tiền, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, theo kế hoạch phòng, chống đại dịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngân sách phòng, chống dịch của 63 địa phương do Bộ Tài chính trực tiếp chuyển. Riêng ngành y tế được cấp khoảng hơn 100 tỷ đồng, số tiền đó dùng để mua trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là máy thở. Những trang thiết bị này được đầu tư cho các bệnh viện tuyến huyện nên ngoài phục vụ công tác chống dịch cúm A/H1N1 có thể sử dụng trong việc điều trị nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, nhiều thiết bị mặc dù đã đấu thầu xong nhưng vẫn chưa về đến Việt Nam.
Được biết, Bộ Y tế đang xem xét lại việc mua vắcxin cúm A/H1N1, vì Việt Nam hiện cũng đang bắt đầu triển khai nghiên cứu và sản xuất. Với lượng vắcxin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã thống kê xong 890 ngàn phụ nữ có thai, cán bộ y tế thuộc nhóm được ưu tiên tiêm phòng vắcxin H1N1 đầu tiên.
Quỳnh Anh (TH)