Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt vừa được đưa ra để lấy ý kiến doanh nghiệp. Điểm mới trong dự thảo này là quy định không được thanh toán bằng tiền mặt khi mua chứng khoán, nhà ở, đất đai, các phương tiện đi lại như ôtô, xe máy, xe điện, áp dụng với mọi cá nhân.

Các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ôtô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này, khi thanh toán cho tổ chức, cá nhân với số tiền vượt hạn mức thì các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt.

Việc dùng tiền mặt chỉ áp dụng trong trường hợp chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, thưởng cho người lao động. Các hạn mức cụ thể cho từng giao dịch sẽ được ban hành sau khi bàn thảo và lấy ý kiến.

Ngoài ra, Dự thảo còn nêu, các ngân hàng sẽ được ấn định lại mức phí dịch vụ tiền mặt. Mức phí hiện hành theo Thông tư 01/2007 là 0% - 0,05% trên số tiền mặt được giao dịch.

Các cơ quan chức năng có thể sẽ ban hành quy định các giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng; quy định bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí...

Như vậy dự thảo lần này không chỉ khống chế việc thanh toán bằng tiền mặt đối với những người sử dụng Ngân sách Nhà nước như trước đây, mà mở rộng với tất cả người dân. Theo một chuyên gia am hiểu về thanh toán không dùng tiền mặt, mục đích của dự thảo được thấy rất rõ là để chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và rửa tiền.

Cũng trong dự thảo trên, các bộ, ngành liên quan gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công an… có trách nhiệm vào cuộc để triệt để đẩy mạnh thanh toán qua chuyển khoản, qua thẻ mà không dùng tiền mặt.

Bình luận về Dự thảo này, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc ban hành Dự thảo là cần thiết và thậm chí theo ông, thời điểm ban hành như hiện nay là quá muộn. "Hầu như ở các nước trên thế giới đều đã có những quy định cấm thanh toán bằng tiền mặt từ lâu. Riêng ở Mỹ và một số nước châu Âu, họ còn khống chế cả mức rút tiền mặt. Ví dụ như có nước rút tiền trên 10.000 USD là có thể bị đưa vào giao địch đáng ngờ và các thông tin sẽ được gửi đến trung tâm dữ liệu của cơ quan phòng chống rửa tiền để xem xét.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9, toàn thị trường có gần 51 triệu thẻ ngân hàng, gồm cả thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước. Tuy nhiên, một đại diện của Hiệp hội thẻ Việt Nam cho biết, sau gần 20 năm ra đời, hàng chục triệu thẻ ATM của Việt Nam phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở chức năng rút tiền thay vì thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt.

*Theo Vnexpress *

(TH)