Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Tổng thống Nga - Vladimir Putin.

Dù có lịch trình dày đặc với những vấn đề nổi cộm trong quan hệ quốc tế và song phương thì tâm điểm chuyến công du châu Âu kéo dài 8 ngày của Tổng thống Mỹ - Joe Biden vẫn là cuộc gặp với Tổng thống Nga - Vladimir Putin tại Thụy Sĩ. Cuộc gặp thượng đỉnh lần này không hy vọng sẽ giúp cải thiện đáng kể quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang ở mức rất thấp trong nhiều năm qua, nhưng lại là cuộc gặp “có còn hơn không” để tránh đẩy quan hệ hai nước vào thế không thể cứu vãn.

Trong chiến lược của mình, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiếp bước chính quyền tiền nhiệm “điểm danh” một số quốc gia, trong đó có Nga, là “đối tượng” của Mỹ. Đã là “đối tượng” để “soi”, để “kiềm chế” thì rõ ràng quan hệ song phương sẽ không thể có những từ như “nồng ấm” chứ đừng nói tới “hợp tác”. Hợp tác có chăng là ở những vấn đề quốc tế, những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của hai bên, hay những vấn đề quốc tế cần tiếng nói và sự hợp tác của cả hai nước. Khi Donald Trump còn là ông chủ Nhà Trắng, ông đã có cuộc gặp với ông Putin ở Helsinki (Phần Lan), tháng 7-2018. Hai bên đã có cuộc họp báo chung ngay sau cuộc gặp này để rồi từ đó quan hệ Nga - Mỹ đi xuống như “lao dốc không phanh”. Hai bên, chủ yếu là từ phía Mỹ, sau đó liên tiếp cáo buộc nhau về đủ các vấn đề như can thiệp bầu cử, vấn đề Ukraine… rồi cả việc không tuân thủ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung, phá bỏ các thoả thuận giúp ổn định an ninh toàn cầu đã ký kết.

Khi ông Biden lên nắm quyền, quan hệ Nga - Mỹ sẽ như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn. Thực sự, nếu ông Biden muốn cải thiện mối quan hệ có truyền thống trắc trở này thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Đấy là chưa nói tới chuyện chính quyền của ông muốn tiếp tục “gây khó” với Nga. Lập luận vậy bởi ngoài ở việc cạnh tranh chiến lược với Nga, Mỹ vẫn có mối quan hệ lịch sử và gắn bó thiết thực về lợi ích với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi đã coi Nga là đối thủ, tất nhiên Mỹ sẽ kiềm chế Nga trên mọi phương diện, đồng thời tăng cường hợp tác với các đồng minh, các nước có căng thẳng với Nga. Chả vậy mà chỉ 5 ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ, ngày 11-6, Lầu Năm Góc thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 150 triệu USD cho Ukraine. Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự nói trên, bao gồm các hệ thống radar, máy bay do thám không người lái, thiết bị bảo vệ thông tin, sẽ bổ sung cho gói trị giá 125 triệu USD đã thông báo hồi tháng 3. Với gói viện trợ bổ sung, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giải ngân toàn bộ quỹ hỗ trợ an ninh đã được Quốc hội phê chuẩn cho Ukraine trong tài khóa 2021. Cũng theo Lầu Năm Góc, gói hỗ trợ nhằm "giúp các lực lượng của Ukraine bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và cải thiện khả năng tương tác với NATO".  Lầu Năm Góc cũng chẳng cần úp mở chuyện “động viên” Ukraine gia nhập NATO khi tiếp tục khuyến khích Ukraine thực hiện cải cách để phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO nhằm xúc tiến các tham vọng gia nhập của nước này trong khi EU và NATO đã ủng hộ Ukraine gia nhập từ năm 2014, nhưng vẫn yêu cầu Kiev thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị.

Nước Nga vẫn ở thế “giữa muôn trùng vây”. Thế nhưng, khi Tổng thống Mỹ vẫn phải gặp Tổng thống Nga thì đó là sự khẳng định vai trò không thể thiếu của Nga trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Nói cách khác, sức mạnh Nga, giá trị Nga vẫn là điều nước Mỹ hay các cường quốc khác phải nể trọng. Trong khi Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki cho rằng mục tiêu của ông Biden khi gặp ông Putin là để Mỹ và Nga hướng đến một mối quan hệ ổn định hơn, thì Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ là sự kiện quan trọng có thể giúp ngăn chặn mối quan hệ song phương tiếp tục "trượt dốc" và đó là lý do nhà lãnh đạo Nga đồng ý tiến hành cuộc gặp này. Như vậy, Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ chỉ để ngăn quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi chứ cũng không hy vọng cuộc gặp tại Geneva ngày 16-6 sẽ cải thiện tình hình. Đánh giá về người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Nga cho rằng ông Biden là một "chính trị gia chuyên nghiệp" và hy vọng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không có những bước đi vội vàng như người tiền nhiệm Donald Trump. Tổng thống Putin cũng cho biết không bận tâm về những bình luận không thân thiện trước đó của người đồng cấp Mỹ nhằm vào ông vì ông luôn đặt lợi ích của người dân và đất nước Nga lên hàng đầu.

Dù hai bên thông báo sẽ không có cuộc họp báo chung của hai nguyên thủ sau cuộc họp thượng đỉnh, việc cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ở Geneva “có còn hơn không” vì nó chứng tỏ thiện chí của cả hai phía. Khi hai con voi hợp tác, hay chí ít vẫn nói chuyện được với nhau, thì tất nhiên sẽ tốt hơn cho cả khu rừng.

Thanh Huyền