Hiện nay, tại nhiều thành phố, khu công nghiệp của nước ta đang phải đối diện với một vấn đề xã hội phức tạp. Đó là việc trong khi hàng loạt công nhân bị mất việc hoặc đứng trước nguy có mất việc do nhiều công ty, xí nghiệp thu hẹp sản xuất thì khá nhiều ngành nghề lại đang thiếu lao động trầm trọng. Giải quyết vấn đề này đang làm đau đầu các nhà quản lý, cơ quan chức năng, nhưng nan giải nhất lại chính là người lao động. Vậy, làm gì để tháo gỡ vấn đề, nhất là ở góc độ người lao động?
Tình trạng người lao động mất việc hoặc đứng trước nguy cơ mất việc làm đang diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH), trong năm 2009, cả nước sẽ có khoảng 400.000 lao động mất việc, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, lượng công nhân mất việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp năm nay ước chừng 26.000 người... Trong khi đó, nhiều ngành nghề khác như bảo mẫu, nhân viên xã hội, giúp việc, quản gia... lại đang thiếu trầm trọng người thạo việc, tạo thành nhu cầu lớn về nguồn cung của xã hội. Tại các địa điểm công cộng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội chợ việc làm... thông báo tuyển dụng nhân lực những ngành nghề này có rất nhiều, với mức lương, chế độ đãi ngộ không thấp, thậm chí còn nhỉnh hơn cả một số doanh nghiệp vừa sa thải người lao động, ấy vậy mà người lao động vẫn không hào hứng tìm đến. Nguyên nhân của sự nghịch cảnh này chính là do cái nhìn về nghề nghiệp.
Thứ nhất là việc chuyển nghề. Những công nhân thuộc các ngành nghề đòi hỏi có trình độ tay nghề, thu nhập ổn định như xây dựng, cơ khí... khi bị mất việc hay đứng trước nguy cơ bị mất việc rất ngại chuyển sang nghề khác, công việc khác vì tiếc tay nghề, so sánh thu nhập. Thứ hai là lý do độ tuổi đã “cứng”, người lao động rất ngại phải học, phải lĩnh hội cái mới về nghề. Lý do thứ ba, quan trọng nhất là do tâm lý thích làm việc ở công ty, xí nghiệp lớn, không muốn làm ở cơ sở nhỏ, nhất là giúp việc nhà, bảo mẫu. Đó là do rất nhiều người lao động ở nước ta vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, vẫn nghĩ đó là quan hệ “chủ - tớ” nên không muốn làm. Ba lý do cơ bản này thuộc về phía người lao động, là nguyên nhân chính tạo nên sự không ăn khớp giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm. Cả hai nhu cầu này, trên thực tế là rất lớn nhưng vẫn chưa gặp được nhau, xã hội vẫn tồn tại nghịch lý thừa - thiếu lao động và việc làm.
Giải quyết vấn đề người lao động mất việc hoặc đứng trước nguy cơ mất việc là việc lớn. Cùng với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền thì vấn đề nhận thức lại về nghề nghiệp của người lao động có vị trí cực kỳ quan trọng để tháo gỡ vấn đề này. Không nhất thiết phải làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty lớn “hoành tráng”; người lao động, nhất là những người lao động mất việc hoặc đang đứng trước nguy cơ mất việc sẽ có những cơ hội lớn, rộng mở hơn về việc làm, về thu nhập để ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, đáp ứng nhu cầu và ổn định cuộc sống xã hội. Bước chuyển ấy, bắt đầu từ chính nhận thức của người lao động và quan niệm xã hội chúng ta.
Phong Lan