Sự chân thành của đồng bào dân tộc trong làm du lịch đã tạo ấn tượng đẹp đối với mỗi du khách.
Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, có lẽ là một điểm đến hấp dẫn của mùa xuân, khi còn hồng thắm sắc đào, vàng tươi hoa cải, và đâu đó những cây gạo nở sớm đã thắp lửa đỏ rực giữa cao nguyên đá. Chúng tôi đến Hà Giang lúc 4 giờ sáng, tôi gọi cho nơi thuê xe để hỏi về thời gian và địa điểm đón, thông tin nhận được chỉ đơn giản là: “Chị cứ đến nơi, xe vào bến thì gọi cho em”. Không khỏi có chút lo ngại về khả năng bơ vơ ở một thành phố lạ khi trời vẫn còn chập choạng tối.
Đúng giờ, xe vào bến, chưa kịp móc điện thoại ra gọi thì Luân – cậu thanh niên sinh năm 1990 người dân tộc Dao đã chờ sẵn và đưa chúng tôi về nhà nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn sáng. Những việc ấy không nằm trong kế hoạch vì chúng tôi chỉ thuê xe của Luân đi cao nguyên đá và vòng về trong 2 ngày. Điều đáng nói là tất cả việc ngủ nghỉ, tắm giặt ở nhà Luân trong buổi sáng ấy em đều không tính tiền, với lý do rất đơn giản là “các chị cần nghỉ ngơi cho khoẻ lại một chút vì hành trình hôm nay sẽ rất mệt”. Câu nói mộc mạc, chân tình của em khiến chúng tôi cảm thấy như khỏe ra.
Cao nguyên đá nhạt nắng cũng là lúc cái lạnh giá, âm u của chiều tà trùm xuống rất nhanh. Chúng tôi vào làng Lô Lô Chải ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú tìm homestay (hình thức ở lại nhà người khác khi đi du lịch) đã đặt trước làm chỗ nghỉ đêm. Vừa bước xuống xe, gió lạnh buốt ập vào mặt, cái lạnh của gió rít giữa cao nguyên mênh mông và sương đêm buốt giá đã làm cho chúng tôi co ro, tím tái.
Đón chúng tôi ở homestay ấy là Quý, cậu thanh niên người Lô Lô dẫn chúng tôi đi xem chỗ nghỉ. Đứng lên mấy tấm đệm ngủ trên sàn, mong chút hơi ấm thì cái giá ngắt từ mặt đệm buốt lên đến nửa ống chân. Thấy chúng tôi run lên vì rét, Quý bảo: “Hôm nay đỡ lạnh đấy, chứ nhiều đêm rét còn không cảm giác gì luôn. Để em đi pha cho các chị mấy cốc trà nóng”. Chưa đầy 2 phút sau, chúng tôi đã mỗi người có một cốc trà bốc hơi trên tay, ấm dần khi nhấp môi uống ngụm trà. Đường cũng giúp tiếp thêm chút năng lượng. Nhưng thật sự không thể ở lại, nằm trên những tấm đệm này có lẽ chúng tôi sẽ hóa “đá”...
Nhìn vẻ ái ngại của chúng tôi khi xin lỗi vì đã làm phiền em, thái độ và giọng nói rất chân thành, Quý bảo: “Vâng, nhìn các chị lạnh quá em cũng thấy tội. Thôi các chị vào thị trấn đi, kiếm nhà nghỉ nào có điều hòa cho ấm, chứ ở nhà sàn chắc không chịu nổi đâu”. Em từ chối khi chúng tôi muốn trả tiền trà, và vội vã trở lại với công việc chuẩn bị lửa trại và bữa tối cho khách.
Cốc trà nóng và thái độ chân thành của chàng thanh niên ấy không chỉ giúp chúng tôi bớt lạnh, mà quan trọng hơn là cảm giác ấm áp trong lòng, dù ngoài trời gió vẫn lạnh buốt, tê cóng. Chúng tôi chia tay em với lời hẹn sáng mai sẽ quay lại uống trà và chụp ảnh. Homestay của em quá đẹp...
Những câu chuyện nhỏ về Luân và Quý luôn khiến tôi có niềm tin vào cuộc sống. Dù làm công việc gì, thực sự yêu lao động, say mê, nhiệt tâm với việc mình làm, chắc chắn các em sẽ thành công. Và du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước nếu có ngày càng nhiều những người làm nghề có tâm như các em.
Lê Na