Hàng hóa được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định.
Còn khoảng 3 tháng nữa là bước vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung ổn định với sự linh hoạt tối đa nhằm tránh gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như xảy ra biến động về giá cả.
Nhiều địa phương lên phương án bình ổn thị trường
Qua ghi nhận, thời điểm này thị trường hàng hóa đã bắt đầu nhộn nhịp hơn khi các cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại và siêu thị tung hàng hóa đa dạng, đón đầu xu hướng mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, sức mua các mặt hàng chưa cao, thậm chí nhiều mặt hàng như gạo, thực phẩm… lại có xu hướng tăng giá.
Theo chia sẻ từ các nhà sản xuất, Tết Nguyên đán 2024 cách Tết Dương lịch hơn 1 tháng nên dự kiến bắt đầu vào mùa sản xuất hàng Tết từ cuối tháng 10. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhận định thị trường cuối năm và Tết sắp tới có nhiều biến động khó lường. Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Vissan, dự báo: Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế trong nước còn đan xen nhiều khó khăn, thách thức; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; chuỗi cung ứng toàn cầu còn chưa thông suốt…
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng giảm; nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc. Mặt khác áp lực lạm phát gia tăng; đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu; sức mua thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo ông Nguyễn Ngọc An, nền kinh tế vẫn khó khăn nên thị trường sẽ khó lạc quan trong thời gian tới, DN cũng cân nhắc để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị trường.
Xác định thị trường kinh doanh sẽ khó tăng đột biến nên nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ chuẩn bị lượng hàng ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái để tránh hàng tồn. Đại diện Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: Trong 10 tháng năm nay, sức tiêu thụ giảm 50% nên doanh nghiệp chỉ chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày từ ngày 23 tháng Chạp trở đi. Đối với các nhà bán lẻ cũng có phương án chuẩn bị nguồn hàng ở mức vừa phải.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Marketting Liên hiệp HTX thương mại T.P Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Sức mua 9 tháng đầu năm 2023 suy giảm so với cùng kỳ. Do vậy, Saigon Co.op dự kiến chỉ tăng khoảng 20-30% lượng hàng phục vụ Tết (so với Tết 2023, mức này là 30-50%).
Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Trong 10 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) T.P Hồ Chí Minh đã kiểm tra 3.981 trường hợp, phát hiện đến 3.576 vụ vi phạm (tăng 87,91% số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm trước). Trong số vụ vi phạm mà các Đội QLTT T.P Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý, nhiều nhất là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Chỉ riêng trong tháng 10-2023 QLTT kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 154 vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Các mặt hàng này bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ chủ yếu tại các kho hàng, hoặc đưa vào bán tại các cửa hàng, cửa hàng thời trang bán ở cả các trung tâm thương mại cao cấp. Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chủ yếu là quần áo, mắt kính, túi xách, giày dép, đồng hồ, nước hoa... giả các nhãn hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Dior...
Đáng chú ý, khi đưa vào bán tại các trung tâm thương mại, các loại hàng giả này giống đến hơn 90% so với hàng thật. Đối với hàng nhập lậu, cơ quan QLTT kiểm tra phát hiện 106 vụ vi phạm, chủ yếu bán tại các cửa hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt được người tiêu dùng tìm mua nhiều do tâm lý “hàng hiệu, giá rẻ”. Sản phẩm nhập lậu khi bán tới tay người tiêu dùng thường rẻ hơn hàng chính hãng 20-30% do không phải tính thuế. Tuy nhiên, hàng nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ cao, nhất là các loại thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, do chất lượng không được kiểm soát.
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, T.P Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Trong đó, Sở Công thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so Tết năm 2023.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội - Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động kết nối, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, Sở triển khai tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với việc đáp ứng đa dạng các mặt hàng, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.
Võ Hóa