TRẦN ĐĂNG KHOA:
Hay nhỉ. Có lẽ ai đó nói với cháu là từ một lẽ khác khiến cháu hiểu nhầm. Hồi cải cách ruộng đất, ở làng chú, địa chủ được bổ theo đầu đinh. Làng càng đông dân thì càng có nhiều địa chủ.
Làng chú, nhiều địa chủ cũng đói lắm. Có địa chủ đến mùa còn đứt bữa. Cũng có ông địa chủ khó tính, keo kiệt, nhưng không phải ông địa chủ nào cũng keo kiệt. Thậm chí có những ông địa chủ rất tốt tính và cả thương người nữa. Chú cũng rất muốn được làm con địa chủ cho oai, nhưng bố mẹ chú chỉ là bần nông, không được “bầu” làm địa chủ. Gia đình chú cũng nghèo như các ông địa chủ ở làng chú.
Thuở bé, chú chỉ mong có được một bộ quần áo mới diện cho oách. Nhưng quần áo chú hồi đó phần lớn là quần áo cũ của anh chị chú. Khi áo anh chị rách, không mặc được nữa, mẹ chú cắt ra, lựa những mảnh lành, khâu lại thành quần áo cho chú. Chú diện những bộ cánh như thế cho đến tận ngày vào bộ đội.
Mà bé Vân ạ, ngày vào bộ đội chú cũng chỉ được mặc quân phục lành lặn có mấy tháng, còn toàn phải mặc quần vá tích kê đùi và mông; áo thì lộn cổ, vá tích kê khuỷu tay. Vì bộ đội “lăn, lê, bò, toài…” huấn luyện để đi “B” vất vả lắm, chỉ vài tháng là quần, áo rách bươm.
Chú khâu vá đẹp nhất tiểu đội đấy. Cháu có biết khâu tích kê là thế nào không? Này nhé, đặt một miếng vải lên chỗ rách rồi khâu theo hình bàn cờ thành nhiều vòng từ chỗ rách khâu ra.
Còn chuyện ai đó bảo với cháu do chú là con địa chủ nên mới có tiền mua sách, có thời gian đọc sách và làm thơ thì sai đấy. Đúng là chú ham đọc sách thật. Chắc các bạn của cháu và kể cả cháu nữa, chú nghĩ bạn nào chả ham đọc sách.
Ham đọc sách không phụ thuộc vào giàu, nghèo. Không ít bạn nhịn ăn để mua sách đó cháu. Và, tất nhiên, không phải ai đọc nhiều sách cũng thành nhà thơ. Nhưng không có nhà thơ nào lại không ham đọc sách.
TĐK