Từ nay, lịch sử nền chính trị thế giới có thêm một thuật ngữ mới-“Sự kiện 7-1-2015” hay “Cuộc tấn công khủng bố ngày 7-1-2015”.
Tuy thua kém về quy mô và số người thiệt mạng, song cuộc tấn công khủng bố ngày 7-1-2015 không hề kém, nếu như không nói là còn vượt cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ về tính tàn bạo, tính chuyên nghiệp và nhất là tác động mà nó gây ra cho thế giới, nhất là châu Âu.
Đây là lần đầu tiên nước Pháp phải đối mặt với những hành động khủng bố được một nhóm khủng bố có đào tạo và lên kế hoạch bài bản thực hiện, khi cùng lúc phải đối phó với hai vụ bắt cóc con tin có liên quan với nhau. Theo tờ Le Monde, đây cũng là vụ sát hại nghiêm trọng nhất ở Pháp kể từ năm 1945.
Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tàn bạo, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, đoàn kết với người dân Pháp.
Cuộc truy lùng với sự tham gia của gần 9 vạn cảnh sát và lính đặc nhiệm Pháp với cao trào là 2 cuộc đột kích, tiêu diệt 3 tên khủng bố, đã kết thúc 3 ngày kinh hoàng làm rúng động cả nước Pháp và châu Âu, song chưa thể giải quyết trọn vẹn được vấn đề mà còn đặt ra nhiều điều cần suy ngẫm.
Ngay trong ngày 7-1, Ngoại trưởng Anh-Philip Hammond đã thừa nhận: “Vụ khủng bố vào tòa soạn Charlie Hebdo là hệ quả của cuộc xung đột giữa phương Tây và tổ chức IS”. Ông Hammond cũng khẳng định rằng những vụ khủng bố như vừa diễn ra ở Pháp sẽ lặp lại ở bất cứ đâu trên châu Âu, hay bất kỳ quốc gia nào đang tham gia vào liên minh chống IS.
Cần phải nói rõ hơn, đây là hệ quả của cuộc xung đột giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Về phần mình, sự xung đột này chính là hệ quả của chính sách “chia để trị” ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á… mà Mỹ thực hiện từ hàng chục năm nay, được Pháp và các quốc gia châu Âu chủ chốt hỗ trợ, ủng hộ một cách mẫn cán. Gần đây nhất, Pháp, Đức đã dễ dàng chấp nhận gửi vũ khí cho người Kurd ở Iraq để giúp họ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Cuộc chiến chống lực lượng IS do Mỹ và đồng minh tiến hành, kết quả chưa thấy đâu, còn hố sâu ngăn cách giữa người Sunni, người Shiite và người Kurd thì ngày càng rộng. Lịch sử đã diễn ra và đang lặp lại, rằng thật khó để lấy bạo lực để loại trừ bạo lực, nhất là thứ bạo lực do chính anh gây ra!
Các quan chức Tây Ban Nha đánh giá có khoảng 3.000 người châu Âu đã tham gia phong trào thánh chiến, và nhiều người trở về nhà sau khi được đào tạo kỹ càng về sử dụng vũ khí cộng với việc được nhồi nhét tư tưởng khủng bố. Sao vậy? Châu Âu, trước hết là nước Pháp với cộng đồng người Hồi giáo đông đảo, cần tìm ra lời giải cho câu hỏi này.
Trong khi đó, một chuyên gia của Nga về Trung Đông, bên cạnh việc lên án gay gắt vụ tấn công tại Paris, đã tin rằng việc đả kích, châm biếm đạo Hồi của tờ Charlie Hebdo không nên có chỗ đứng trong báo chí tự do. “Có những điều nhất định không được đụng chạm tới. Nếu không tôn trọng các ranh giới, mọi người sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình”, ông Georgy Mirsky viết trên blog của đài phát thanh Echo Moscow. Theo ông, số lượng người Hồi giáo ở châu Âu đang gia tăng và nếu tiếp tục kỳ thị nhau, triển vọng hai bên có thể cùng chung sống sẽ trở nên rất mờ nhạt.
Hãng tin AFP dẫn lời Giám đốc MI5 (Cơ quan Tình báo nội địa Anh) Andrew Parker đưa ra cảnh báo rằng lực lượng Al Qaeda ở Syria đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công gây thương vong lớn, những vụ tấn công nhằm vào các hệ thống giao thông hay các mục tiêu mang tính biểu tượng của phương Tây, đồng thời cho rằng vụ xả súng mới đây ở Paris chỉ là một sự nhắc nhở về mối đe dọa an ninh đang diễn ra. Trong khi đó, hiện đang xuất hiện những ý kiến chỉ trích tình báo Pháp đã thất bại trong việc ngăn chặn tấn công khủng bố hôm 7-1, còn cảnh sát thì thất bại trong việc giám sát các tội phạm tiềm năng.
Lời cảnh báo của ông Parker là đáng lưu tâm, những điều chỉnh trong hệ thống an ninh là cần thiết. Song có lẽ, điều quan trọng hàng đầu là như Michael Rubin, một nhà nghiên cứu độc lập đã đề xuất: Thay vì cố tìm cách dùng lực lượng này chống lực lượng kia, cố tách bạch các cuộc khủng hoảng (như tại Syria và Iraq) như thể chúng không liên quan tới nhau, phương Tây cần nhìn lại bản chất sự việc, chấp nhận những sai lầm trước đây như cổ súy cho các cuộc “cách mạng màu”, các “mùa xuân Arab”… để tìm ra một giải pháp phù hợp. Ông Rubin còn “mách nước” qua việc trích dẫn câu nói của người dân Libya sau khi chế độ độc tài bị lật đổ: “Chúng tôi không cần phương Tây, chúng tôi không cần “dân chủ”, việc của chúng tôi hãy để chúng tôi giải quyết”.
Làn sóng khủng bố đã lan sang Canada, Australia và bây giờ là châu Âu. Châu Âu rúng động, nhưng cần nhìn lại.
Nguyễn Đăng Song