CCB, thương binh Nguyễn Văn Quởn cùng lãnh đạo xã, các nhà hảo tâm Chương trình “Nguồn nước yêu thương” tại điểm lắp máy thứ 9, thuộc UBND xã Vang Quởn Tây, huyện Bình Đại, ngày 21-3-2020.
CCB Nguyễn Văn Quởn - thương binh hạng 1/4, ngụ tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Anh nhập ngũ tháng 2-1986, thuộc Tiểu đoàn Thông tin, Mặt trận 979 (Campuchia), Quân khu 9. Năm 1989, Nguyễn Văn Quởn bị thương cột sống, liệt cả 2 chân. Ra viện, anh xin về quê làm nghề sửa máy điện tử kiếm sống. Hiện anh có vợ và 2 con, cuộc sống hạnh phúc. Vốn đam mê nghề nghiệp, mới đây anh đã tìm tòi sáng chế máy xử lý lọc nước nhiễm mặn, với ý nguyện phục vụ bà con nhà vườn đang bị xâm nhập mặn, có nước ngọt tưới tiêu. Và anh đã thành công.
Đầu năm 2020, anh đã nghe thông tin vùng Đồng bằng sông Cửu Long sắp có đợt hạn mặn nặng nề, nên nảy ý tưởng sáng chế máy xử lý lọc mặn. Lúc đầu CCB Quởn tìm kiếm trên các trang mạng, rồi học hỏi trong sách cộng với những kinh nghiệm vốn có, anh đã mạnh dạn làm mô hình sáng chế máy xử lý lọc mặn.
Ý tưởng và mô hình là như vậy, nhưng việc thực hiện là ngoài khả năng đối với anh, vì bản thân đi lại bằng xe lăn, điều kiện vật tư rất khó khăn, nên anh liên kết phối hợp sản xuất với Công ty C.P sản xuất - xuất nhập cảnh máy lọc nước Đài Việt, ở quận 2, T.P Hồ Chí Minh.
Tháng 2-2020, máy đầu tiên ra đời có công suất 0,75 KW, vật liệu lọc đa năng ODM-2F bệ bom định lượng, công suất 18 lít/giờ; Tác dụng máy loại bỏ 99% thành phần khoáng chất và kim loại nặng. Tuy nhiên, khi chạy thử lần đầu không đạt yêu cầu như dự kiến. Lý do, không xác định được nguồn nước độ mặn chênh lệch cao. Anh bàn bạc với Công ty Đài Việt thay đổi thiết bị RO (thay bộ phận tách nước mặn lên cao hơn, phù hợp với độ nước mặn hiện tại).
Đầu tháng 3 vừa qua, anh Quởn cho ra đợt máy lần 2 và thành công. Hiện tại, nguồn nước tại xã Phú Phong có độ mặn 6,75, sau khi xử lý lọc mặn chỉ còn 001 độ. Anh Quởn đã lắp đặt 3 máy cho 3 khách hàng đầu tiền ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành là: Nguyễn Văn Thơi, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thừa, giá thành 67 triệu đồng/máy.
Tôi tìm đến gặp 1 trong 3 khách hàng đầu tiên của anh là Nguyễn Văn Thơi (ấp Phú Qưới). Dẫn tôi ra xem máy, anh tươi cười nói: “Tôi hiện có 6 công vườn xoài riêng, trồng được hơn 5 năm rồi. Đang tốt sum suê, vừa rồi, nước mặn vô có mấy ngày mà cây lá héo vàng. Không có nước ngọt tưới tưởng tiêu tan hết. Nhưng cũng rất may, vợ chồng tôi bạo gan vay tiền lắp đặt máy lọc nước của anh Quởn. Có nước ngọt tưới, chỉ sau 8 ngày mà cây lá xanh tươi trở lại bình thường. Nếu cứu được vườn xoài riêng này, chỉ cần thu hoạch vài cây thôi là đủ vốn cái máy rồi. Mừng quá!...”.
Khi hỏi về hiệu quả và hướng làm ăn tới trong việc đầu tư lắp đặt máy lọc nước mặn, anh Quởn bộc bạch: “Hiện khách hàng đang đặt lắp 4 máy nữa. Hướng tới tôi dự định tiếp tục nghiên cứu loại máy bơm có công suất cao hơn”.
“Mỗi máy anh lãi bao nhiêu?” - Tôi ướm hỏi.
Anh cởi mở nói: “Trừ hết chi phí, mỗi máy tôi để ra được khoảng 2 triệu đồng. Đó là khoản tiền không đáng kể so với công của mình bỏ ra, nhưng tôi rất vui vì góp phần cải tạo được nguồn nước mặn cho bà con làm vườn quê mình đang có nguy cơ mất trắng vì nước mặn”.
Với lòng hảo tâm, sự giúp đỡ thiện nguyện của nhà chùa, văn nghệ sĩ tiêu biểu như các quỹ: “Nhà hảo tâm”, “Trái tim đồng cảm”; Đại đức Thích Minh Phước, gia đình ca sĩ Lý Hải - Minh Hà thuộc Chương trình “Nguồn nước yêu thương” đã đóng góp mua máy của CCB Nguyễn Văn Quởn lắp thêm được 7 máy nữa, nâng tổng số lên 9 máy, tính đến ngày 21-3-2020.
Tôi đến gặp anh Ngô Thanh Sơn - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Phong. Anh nói: “Thương binh, CCB Quởn là tấm gương sáng của Hội CCB xã - không chỉ là “thương binh tàn mà không phế” như lời Bác dạy, mà có thể tương lai còn là “cứu tinh của các nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long”.
Lê Hồng Lâm