Lễ mừng thọ đầu xuân ở Làng Văn hóa thôn Quốc Tuấn, xã Cổ Am.

Năm 2003, thôn Quốc Tuấn, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, T.P Hải Phòng thực hiện cuộc vận động xây dựng Làng Văn hóa, là đơn vị làm thí điểm đầu tiên của xã. Năm 2007, Quốc Tuấn được công nhận là "Làng Văn hóa" lần thứ nhất. Năm 2013, đón nhận danh hiệu "Làng Văn hóa" lần thứ hai và ngày 18-11-2018 đón nhận danh hiệu này lần thứ ba. Đồng thời cũng là thôn có nhiều đóng góp để xã Cổ Am là xã trong tốp đầu của huyện Vĩnh Bảo cán đích đạt xã nông thôn mới (NTM).

Để đạt danh hiệu "Làng Văn hóa", thôn Quốc Tuấn động viên nhân dân trong thôn đóng góp trên 800 triệu đồng, hơn 1.000 ngày công để nâng cấp trên 2.000m đường của 11/11 ngõ xóm, rộng từ 2,5-6m và 1.000m lề đường trục làng. Quốc Tuấn cũng là thôn thực hiện dồn điền đổi thửa sớm của xã. Để có được kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của Chi hội CCB thôn.

Chi hội CCB Quốc Tuấn có 71 hội viên, trong đó có 12 nữ. Người cao tuổi nhất gần 90, trẻ cũng trên 50. Chi bộ thôn có 59 đảng viên thì có tới 27 là CCB; trong đó có 4 cấp ủy viên, 8/11 là Trưởng ngõ xóm, 13/30 người trong Ban Vận động xây dựng Làng Văn hóa...

Trên thực tế, hội viên CCB có vai trò quyết định sự phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2001, Quốc Tuấn không còn hộ CCB nghèo, không còn nhà tạm. Trong quá trình xây dựng Làng Văn hóa, Chi hội CCB là nòng cốt động viên nhân dân đóng góp tiền, ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn, như: Nhà Văn hóa, đường làng ngõ xóm, xây dựng quỹ các đoàn thể, Quỹ “Khuyến học” và hoạt động tình nghĩa...

Các dịp lễ, Tết, CCB trở thành trung tâm kết nối các Hội đoàn thể của thôn để tổ chức các hoạt động tập trung nhân dân trong thôn. Tết Nguyên đán, CCB và CQN tổ chức tuần tra canh gác, tổ chức chúc Tết các gia đình đầu Xuân. Tết Trung thu, Chi hội cùng Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ tổ chức rước đèn, sắm cỗ... cho thiếu niên. Mỗi năm đến hè, Chi hội CCB tổ chức cho các cháu học sinh sinh hoạt hè với nhiều hình thức vui vẻ, hiệu quả.

Tháng 10-2018, thôn Quốc Tuấn mở rộng không gian Nhà Văn hóa, lực lượng chủ công triển khai cũng là CCB, CQN. Đồng thời, Chi hội còn động viên các Hội, đoàn thể, doanh nghiệp CCB tặng 4 bộ ghế đá, bố trí trong khuôn viên Nhà Văn hóa, phục vụ nhân dân sinh hoạt, vui chơi.

Nhờ Chi hội CCB vận động và đóng góp, Quỹ làng có ngót 100 triệu đồng, Quỹ “Khuyến học” 110 triệu đồng; các Hội, đoàn thể đều có quỹ từ 20-40 triệu đồng; ngoài ra còn có Quỹ “Chăm sóc người cao tuổi”, “Hoạt động hè của tuổi thơ”...

Những kết quả trên nói lên vai trò tham mưu, công tác tuyên truyền vận động nhân dân và kết quả quá trình tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, tự nguyện. Mặt khác cũng nói lên Làng Văn hóa họat động phong phú về nội dung, càng ấm thêm tình làng nghĩa xóm, góp phần làm cho cuộc sống cộng đồng thêm vui, hạn chế tiêu cực nảy sinh.

Hội viên CCB, CQN vừa làm vai trò tham mưu, nhưng cũng là những người đầu tàu, gương mẫu tham gia mọi hoạt động của thôn xóm với tinh thần trách nhiệm cao. Tiêu biểu là các hội viên: Bùi Văn Minh, Hoàng Đình Bắc, Lê Đức trường, Đỗ Trung Trường và nhiều hội viên khác.

Lê Đắc Tùy