Theo Bộ Y tế, từ ngày 18-12-2008 đến ngày 17-6-2009, cả nước đã xảy ra 39 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.493 người mắc, trong số đó đã tử vong 15 người. Sự việc chưa dừng ở đây, cùng với nhiều địa phương khác, nửa đầu tháng 7 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện, kiểm tra hàng loạt sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu, kể cả sữa dành cho trẻ em đã hết hạn sử dụng hoặc bị nhiễm khuẩn... Các cơ sở vi phạm trên đã bị xử lý, nhưng trách nhiệm để những sản phẩm kém chất lượng tiêu thụ được trên thị trường thuộc về ai?

Ngày 16-7 Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh thông báo, phát hiện hàng chục tấn gà đông lạnh ngoại nhập hết hạn sử dụng đã bán ra thị trường. Sự việc được phát hiện tại kho đông lạnh của Công ty CP thực phẩm Việt Nam (Vinafood) có hơn 9 tấn xúc xích nhập khẩu đã quá hạn sử dụng, số hàng này sản xuất ngày 28-3-2008 được phép sử dụng trong vòng một năm.

Ngoài ra, trong kho của Vinafood, cơ quan chức năng còn phát hiện 386 thùng sườn lợn do Ca-na-đa sản xuất, mỗi thùng 29,8kg và hết hạn sử dụng từ ngày 14-5-2009. Còn nữa, tại kho An Lạc, huyện Bình Chánh, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện 17 tấn giò và sườn của Vinafood đã hết hạn sử dụng từ tháng 4-2009, nhưng vì lợi ích trước mắt họ đã dán chồng hạn sử dụng mới (đến tháng 4-2010) lên trên thêm một năm. Sau đó một tuần (ngày 22-7), đoàn đến kiểm tra lại kho này, thì hơn chục tấn giò và sườn lợn đã “bốc hơi” mà cơ quan chức năng không được biết. Phải chăng nó đang được trôi nổi trên thị trường, đến với bếp ăn của tập thể, của từng gia đình.

Đa số người tiêu dùng chỉ có “kinh nghiệm” và “niềm tin” để đưa ra quyết định mua một sản phẩm và công cụ để họ kiểm tra chất lượng là bằng các giác quan. Và thật bất ngờ với nhiều luồng thông tin đã, đang xảy ra, họ đã nhận ra rằng họ đặt “niềm tin” của mình không đúng chỗ.

Rùng mình hơn nữa người tiêu dùng được biết cơ quan chức năng vừa phát hiện 85 thùng pín dê, hơn 1,2 tấn có ghi dòng chữ “không dùng cho người” do Công ty TNHH quốc tế Việt Trung (quận Gò Vấp) nhập về từ Ô-xtrây-li-a. Đáng nói là lô hàng này đã được Trung tâm thú y vùng VI chứng nhận đạt chất lượng, 25 thùng đã được bán ra thị trường.

Không chỉ có thực phẩm, ngay cả mặt hàng sữa dành cho trẻ em cơ quan chức năng vừa ra quyết định đình chỉ đối với Công ty TNHH TM - SX Truyền Tâm, quận Tây Phú do công ty này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, nguồn gốc sữa khác với công bố... Tuy nhiên trong đợt kiểm tra kho của công ty tại Tiền Giang, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều hợp đồng bán sữa của công ty với trường mẫu giáo.

Chính hành động của những kẻ cố ý do lòng tham và cả những người vô tình, vì cuộc sống của mình mà đã gieo rắc cái chết cho đồng loại. Một số ít người tiêu dùng “may mắn” được “chết” ngay, còn hầu hết là chết dần, chết mòn bởi nhiều căn bệnh quái ác.

Khi phát hiện vụ sữa mang nhãn hiệu Dinamilk không đảm bảo chất lượng được sản xuất bởi Công ty Truyền Tâm, Sở Y tế TP HCM đã lấy 58 mẫu sữa bột trên thị trường để xét nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh thì có 5 mẫu không đạt hàm lượng đạm và 13 mẫu không đạt hàm lượng béo buộc thu hồi tái chế, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm 38 triệu đồng.

Người tiêu dùng rất ngạc nhiên, tại sao một lượng lớn sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu không đảm bảo VSATTP lại được bán trên thị trường hoặc còn lưu lại trong kho chuẩn bị tiêu thụ. Chứng tỏ quy trình cấp phép đối với sản phẩm nhập khẩu quá dễ dàng để qua mặt cơ quan kiểm dịch.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, cần siết chặt quản lý VSATTP hơn nữa từ các cơ quan chức năng, cùng đó là sự cảnh giác cao của người tiêu dùng khi mua bán, tiêu thụ các loại thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và gia đình. Hương Hiệp