**TRẦN ĐĂNG KHOA:
**
Thưa Lão - đồng chí CCB Phạm Đình Thê. Nhận được thư Lão - đồng chí, tôi xúc động lắm. Nhất là lại được Lão - đồng chí tin tưởng hỏi chuyện, mà lại hỏi một trong những vấn đề rất quan trọng - Đó là công tác xây dựng Đảng. Theo tôi thì chủ trương “Bí thư nên là người địa phương khác” được đề xuất trong tiến trình chống tham nhũng của Đảng ta, mà mục đích chính là để tránh tình trạng địa phương, bè phái, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Thực chất đã có địa phương, rất nhiều cán bộ, rải từ các cơ quan từ trên tỉnh, xuống đến các huyện đều là vợ con, anh em họ hàng của ông Bí thư. Việc đưa người lãnh đạo cao nhất ở địa phương khác về sẽ ít nhiều tránh được tệ nạn đó.

Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp ngọn. Chỉ có thể giải quyết triệt để vấn đề này bằng chính nhận thức đúng của “Bí thư”. Quả thực tôi không thể hiểu nổi những người được Đảng tín nhiệm giao những trọng trách rất quan trọng là Bí thư của một tỉnh, một huyện mà lại vô liêm sỉ đến mức kéo bè, kéo cánh, kéo vợ, kéo con vào hết những vị trí công việc “béo bở” của địa phương do mình lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng con cháu “Bí thư” có tài, giỏi thực sự thì “Bí thư” cũng phải cân nhắc lắm lắm, được tổ chức, nhân dân đề xuất, đồng tình, ủng hộ lắm lắm thì mới đành đưa vào những công việc dưới quyền mình mới đúng. Đây lại toàn là “nguồn thối”... thì đúng là buồn thật. Buồn vì phẩm chất của người lãnh đạo lại không bằng cả một người bình thường như thế thì kém quá. Đến việc nhà mà họ còn ứng xử “lú lẫn” như thế thì hi vọng gì họ làm tốt việc tập thể?

Đúng ra là không cần phải có quy định đó, để khi thấy có những cán bộ tư túi, gia đình chủ nghĩa kiểu thế thì Đảng ta phải thay ngay. Đó mới là giải pháp gốc – vì “Bí thư” quan trọng lắm.

TĐK