Phải nói rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau khi đã tiếp thu chính lý trên cơ sở ý kiến nhân dân và các tài liệu liên quan thì chất lượng của bản dự thảo lần này đã được nâng lên rất nhiều so với dự thảo ban đầu. Bản dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội; tăng tính dân chủ và pháp quyền; tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Để dự thảo phản ánh được đầy đủ hơn tâm nguyện của cử tri, nhất là của các CCB, tôi xin tham gia góp ý thêm một số nội dung sau đây:
Về các quy định của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận (điều 9 và điều 10)
Bản hiến pháp dự thảo đã bổ sung thêm một khỏan vào điều 9 quy định rõ 5 tổ chức chính trị - xã hội hiện nay, cũng như nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ của các tổ chức này. Tuy nhiên, để nội dung khoản này phản ánh đầy đủ bản chất của tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân vì: Tại đoạn 2 điều ( của Hiến pháp hiện hành quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Song tại đoạn 2 khoản 1, điều 9 của Dự thảo chỉ quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, bỏ cụm từ “và các tổ chức thành viên”. Việc không xác định tất của các tổ chức thành viên của Mặt trận là cơ sở chính của chính quyền nhân dân là phù hợp với thực tiễn nhưng không quy định các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở của chính quyền nhân dân là không thể hiện được vị trí, vai trò của các tổ chức này trong hệ thống chính trị. Bởi khái niệm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” không thể hàm chứa đầy đủ khái niệm của các tổ chức chính trị - xã hội như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội CCB. Mặt khác, trong nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước khi xác định vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đều khẳng định là cơ sở chính trị của nhân dân. Ví dụ, Điều 3 Pháp liệnh CCB quy định: “Hội CCB Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị…, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Vì vậy, để nội dung khỏan 2 điều 9 thể hiện đầy đủ bản chất của tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với lý luận và thực tiễn bản Hiến pháp nên sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau:
“Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là cơ sở của chính quyền nhân dân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Hiến pháp dự thảo quy định tại khỏan 3 điều 9: “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động có hiệu quả”. Nếu đưa cụm từ như trên vào Dự thảo Hiến pháp phải sửa đổi là chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, không khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Mặt khác, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH xác định rõ: “Nhà nước luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các thành viên mặt trận; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Hiến pháp sửa đổi nên bổ sung khỏan 3 điều 9 như sau:
“Nhà nước có cơ chế, chính sách đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động có hiệu quả”.
Về quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan đến đất đai.
Trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật đất đại hiện hành đang có nhiều kẽ hở trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng gây ra rất nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người. Vì vậy việc hiến định nội dung về quyền sự dụng đất và thu hồi đất cần được khặng định rõ trong Hiến pháp và điều 58 trong Dự thảo là phù hợp nguyện vọng của nhân dân và trách nhiệm của Nhà nước.
Theo quy định tại điều 58 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, “…Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”; “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”
Nghiên cứu quy định về đất đai trong các bản Hiến pháp từ trước đến nay cho thấy chưa có Hiến pháp nào quy định quyền sử dụng dụng đất là quyền tài sản. Đây là một điểm mới mà dự thảo Hiến pháp sửa đổi đề cập. Theo điều 163 Bộ luật dân sự hiện hành, “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”; pháp luật dân sự của nhiều nước cũng quy định như vậy. Với quy định này cho thấy, nếu xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì trong giao dịch dân sự, các chủ thể phải “đối xử” như tài sản. Trường hợp Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức thì mặc dù không có quyền sở hữu nhưng ngoài quyền sử dụng họ phải được định đoạt tài sản – một tài sản vô hình là quyền sử dụng đất theo điều 164 Bộ luật dân sự. Khi đã là tài sản thì Nhà nước phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 56 của Dự thảo: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, các nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không được quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiếu vì lý do quốc phòng, an nhinh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua, trưng dụng hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường”, có nghĩa là Nhà nước không được thu hồi đất khi đã giao quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức mà phải trưng mua, trung dụng theo giá thị trường. Tuy nhiên đất đai là tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Còn về việ thu hồi đất: Tương tự như việc xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, việc thu hồi đất cũng chưa từng được hiến định trongcác bản Hiến pháp từ trước đến nay. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1992, quy định về thu hồi đất mới được bổ sung. Việc bổ sung này theo tôi là cần thiết nhưng phai quy định thế nào để vừa phù hợp với thể chế kinh tế Việt Nam, Vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là mục đích thu hồi đất. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã hiến định mục đích thu hồi đất được quy định trong Luật Đất đai năm 2003: Để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong các mục đích thu hồi đất, theo tôi không nên đưa mục đích thu hồi đất phục vị các dự án phát triển kinh tế - xã hội chung chung vào Hiến pháp sửa đổi bởi chính có nội dung này vừa qua đã bị lợi dụng tạo điều kiện cho tham nhũng và lạm quyền. Quyền của người sử dụng đất không được bảo vệ. Thực tế từ khi luật hóa việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội đến nay đã tạo điều kiện cho những người có quyền lợi dụng quy định này thu hồi đất tràn lan, gây thiệu hại cho người sử dụng đất, làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo (theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng chiếm 70%). Không ít dự án đất bị thu hồi rồi bỏ hoang, Nhà nước thì thất thu thuế còn nông dân thì mất đất canh tác, lâm vào cảnh thất nghiệp, đời sống rất khó khăn. Để không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, tôi đề nghị cần phân loại các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn, phục vụ lợi ích quốc gia do Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, phải thu hồi đất thì coi đây là trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia; còn các dự án khác hoặc dự án chỉ thuần túy nhằm kinh doanh, thương mại thì phải thực hiện chính sách bồi thường theo thỏa thuận, sát với giá thị trường. Có như vậy mới “bịt” được các kẽ hở trong việc thực thi pháp luật về đất đai, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, khắc phục được tình trạng khiếu nại, tố cáo phức páp trong những năm qua, góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
PKĐ