Các nhà khoa học khắp thế giới sẽ tới thành phố London, Anh trong tuần này để tham dự một hội nghị về biến đổi khí hậu. Nhiều người trong số họ đã nghiên cứu những lớp trầm tích đá hình thành cách đây vài triệu năm để lập mô hình về tác động của khí thải đối với sự thay đổi nhiệt độ địa cầu và sự tuyệt chủng của các loài trong quá khứ.
Các chuyên gia của Đại học California tại Mỹ, nói rằng 55 triệu năm trước hoạt động núi lửa giải phóng 4.500 tỷ tấn khí thải vào khí quyển trong vài nghìn năm. Tình trạng đó khiến nhiệt độ bề mặt trái đất tăng thêm 6 độ C, buộc tất cả hệ sinh thái phải thích nghi, di chuyển khỏi khu vực sinh sống hoặc chết.
Nếu loài người tiếp tục sản xuất khí thải với tốc độ như hiện nay, khoảng 5.000 tỷ tấn khí thải sẽ được bơm vào khí quyển trong vài trăm năm tới. Hiện tượng ấy khiến nhiệt độ trái đất tăng lên mức cao nhất trong lịch sử và có thể gây tuyệt chủng diện rộng đối với nhiều loài sinh vật.
Hiệp hội Địa chất Anh cảnh báo trái đất sẽ cần hàng nghìn thế kỷ để khắc phục những hậu quả của tình trạng ấm lên toàn cầu.
“Những bằng chứng về địa chất từ 55 triệu năm trước cho thấy sự gia tăng lượng khí thải sẽ khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ít nhất 5 hoặc 6 độ C. Nếu các hoạt động tạo ra khí thải của loài người không chấm dứt, quá trình phục hồi của khí hậu trái đất sẽ phải trải qua ít nhất 100.000 năm. Các mô hình khí hậu trên thế giới đều ủng hộ nhận định này”, Hiệp hội Địa chất Anh tuyên bố.
Quỳnh Anh (TH)