Cô giáo Thu Huyền hướng dẫn em Khánh trong giờ tập viết.
“Ở Làng Hữu nghị Việt Nam (viết gọn là Làng), con tôi không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh mà còn được học kỹ năng sống, đặc biệt năm ngoái con về còn biết đọc chữ, biết viết… làm cả gia đình vỡ òa hạnh phúc”. Đó là chia sẻ của chị Bùi Thị Phượng, mẹ cháu Lý Bá Đức Khánh đang được chăm sóc, giáo dục tại Làng.
Chị Phượng kể: “Sinh ra, cháu bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng đến 3 tuổi mà cháu không cười nói, vận động khó khăn, gia đình đưa con đi khám, bác sĩ nói con chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm trí nhớ làm cả nhà bàng hoàng...”. Cháu bị di chứng chất độc da cam từ ông ngoại.
Nén nỗi đau, gia đình đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thấy con tật nguyền, vợ chồng chị Phượng vô cùng xót xa.
Khi đến tuổi tới trường mầm non, con học được vài hôm các cô giáo “giãy nảy” với học sinh “cá biệt”. Những đứa trẻ cùng lớp vô tư trêu con “bị tâm thần”. Điều này khiến chị stress nặng. Chị Phượng mang con đi gửi khắp nơi không ai nhận trông.
Niềm hy vọng vừa chữa bệnh vừa học chữ cho con chợt lóe lên khi chị biết đến Làng Hữu nghị Việt Nam. Khi Khánh 6 tuổi, chị đưa con đến Làng, xin cho cháu vào học tập, điều trị bệnh. Ấn tượng với cả mẹ Toàn (nhà T3), cô giáo chủ nhiệm Phương Thảo, rồi đến cô Thu Huyền khi Khánh vừa đến Làng được gói gọn trong chữ “phi”. Mở cửa là phi và phi rất nhanh, phi quanh Làng. Con không bao giờ ngồi yên một chỗ, giật cả rèm cửa ở lớp... Nhưng sau thời gian nhờ tâm huyết, trách nhiệm và tình thương bao la của các cô, các mẹ, Khánh tiến bộ vượt bậc. Con không còn chạy nhảy nhiều như trước, được chuyển đến lớp khá hơn. Nhìn thấy con biết vẽ, biết đọc, biết viết mà vợ chồng chị Phượng mừng rơi nước mắt.
Mỗi lần đến đón con, chị Phượng được tận mắt thấy sự tận tụy, nhẫn nại của các mẹ, các cô giáo và đội ngũ phục vụ ở Làng, chị vô cùng khâm phục. Chị nói: “Sự tiến bộ của con mình là nhờ cái tâm, cái đức và công sức của cán bộ, nhân viên ở Làng. Những con người tuyệt vời ở một môi trường tuyệt vời. Vợ chồng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến Làng Hữu nghị Việt Nam”.
Nghe trải lòng của chị Phượng, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, nỗi đau và niềm trăn trở của các gia đình có con, cháu là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi thấy rõ hơn ý nghĩa của công việc mình đang làm, sự tiến bộ của các con là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc mỗi ngày.
Nguyễn Thảo Toàn