Liên quan đến việc điều hành giá điện, nhiều đại biểu cho rằng ở Việt Nam, điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá, tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Lẽ ra, việc tăng giá điện, người dân phải được lợi vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ hạ, khi đó người dân sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, điều này đúng với các ngành, nhưng không đúng với ngành điện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ lý thuyết đó đúng với ngành điện.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giá điện đã giữ ổn định suốt từ tháng 8/2013, đến tháng 3/2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Việc điều chỉnh giá điện đã nằm trong chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá điện nếu các yếu tố đầu vào tăng đến mức phải điều chỉnh, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỷ giá. Thủy điện và nhiệt điện là hai loại hình sản xuất điện chính, chiếm đến 80% sản lượng điện cả nước. Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh tăng giá dưới 10% thì giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên 10% sẽ báo cáo Chính phủ. Vừa qua, ngành điện đã trình ba phương án tăng giá điện 7,5%, 9,5% và 12%. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một tổ tư vấn liên ngành tham mưu về kinh tế vĩ mô gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đã nghe ngành điện trình bày các phương án điều chỉnh giá điện. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trước đây Việt Nam duy trì cơ chế bao cấp nên giá điện thấp, đến năm 2014, giá bán điện mới cao hơn giá thành, tuy nhiên chưa phải là giá thị trường. Giá điện sẽ tăng dần theo lộ trình, theo nguyên tắc giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước và bảo đảm yêu cầu xã hội.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2016, giá điện sẽ được điều hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường, giá bán lẻ cạnh tranh sẽ theo lộ trình Chính phủ đã phê duyệt, năm 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, năm 2016 thực hiện thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh (những hộ tiêu thụ điện lớn có thể mua điện trực tiếp từ các hộ có điện độc lập), từ năm 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Các nhà sản xuất điện có thể tự sản xuất, tiêu thụ, người mua điện được tự do lựa chọn mua của người bán phù hợp...

Đối với việc điều hành giá xăng dầu của Chính phủ trong những năm gần đây, nhiều đại biểu cho rằng việc kinh doanh xăng dầu của Việt Nam không đúng theo thị trường, nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với vận hành của thị trường. Bộ Công Thương có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay sang cơ chế thị trường.

Bộ trưởng Vũ Huy Hàng giải đáp điện và xăng dầu là hàng hóa đặc biệt liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội và người dân, nên bất cứ biến động nào cũng đều có tác động đến người dân. Trong thời gian qua, đứng trước việc điều chỉnh giá cả hai mặt hàng này, với trách nhiệm được giao, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán cẩn trọng để có thể vừa đáp ứng yêu cầu tăng giá điện, xăng dầu theo đúng lộ trình, không bù giá, nhưng mặt khác giảm thiểu mức tối đa tác động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo, nông dân, người có thu nhập thấp.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận xét theo đánh giá chung, việc điều hành đã từng bước đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu đi vào đúng yếu tố điều hành theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ làm hết trách nhiệm được Chính phủ và nhân dân giao phó, thực hiện kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng quan tâm, tạo điều kiên thuận lợi cho sản xuất và người dân, nhất là người nghèo, nông dân, người có thu nhập thấp.

Việc điều hành xăng dầu trong nước được căn cứ trên biến động của giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trong đó giá xăng dầu thành phẩm thế giới là yếu tố trọng yếu. Ở Việt Nam, xăng dầu trong nước chủ yếu nhập khẩu nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới. Bản thân doanh nghiệp cũng bị tác động bởi việc tăng chi phí đầu vào. Do đó, phải thường xuyên rà soát để điều chỉnh, đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi và đảm bảo lợi ích của nhà nước và người tiêu dùng.
Hoàng Linh