Ngày 23-8 vừa qua, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống phần cực nam của Mặt Trăng với sứ mệnh Chandrayaan-3. Thành công của Ấn Độ cũng đánh dấu một giai đoạn mới của nhân loại khi nhiều nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả những công ty tư nhân cũng tăng cường nỗ lực tìm hiểu “chị Hằng”.
Ông Dallas Kasaboski - nhà phân tích tại Công ty tư vấn hàng không vũ trụ NSR, ước tính thế giới hiện có hơn 400 sứ mệnh Mặt Trăng của chính phủ và tư nhân được lên kế hoạch cho giai đoạn 2022-2032, tăng so với con số dự báo 250 sứ mệnh được đưa ra một năm trước.
Tất nhiên, Mặt Trăng vẫn quyến rũ như khi nhà du hành vũ trụ người Mỹ - Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân đến đây năm 1969. Thế nhưng, vì sao giai đoạn hiện nay nhiều quốc gia lại để mắt tới nó? Có thể đây là giai đoạn thích hợp về công nghệ và kinh tế nhưng cũng cần một quá trình dài hơi để biến giấc mơ chinh phục Mặt Trăng trở thành hiện thực. Hãy nhìn vào trường hợp của Ấn Độ.
Ngay từ năm 1962, tức là 7 năm trước khi con người lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng, 1 năm sau khi nhà du hành vũ trụ người Nga - Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo trái đất, Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên Jawaharlal Nehru và nhà khoa học Vikram Sarabhai đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Ấn Độ (INCOSPAR). Ý tưởng của Ấn Độ về sứ mệnh lên Mặt Trăng lần đầu tiên được nêu ra năm 1999 trong cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Ấn Độ. Phát biểu nhân Ngày Độc lập 15-8-2003, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Atal Bihari Vajpayee đã công bố dự án Chandrayaan-1. Tháng 10-2008, Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-1 vào quỹ đạo Mặt Trăng. Thủ tướng Ấn Độ - Manmohan Singh lúc đó phát biểu rằng đây là “thời khắc lịch sử và bước đi đầu tiên trong chương trình vũ trụ của đất nước”.
Tiếp đó, tháng 7-2019, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 được phóng, hướng tới mục tiêu hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực Nam của Mặt Trăng. Con tàu đã bay tới quỹ đạo Mặt Trăng như dự kiến. Theo lịch trình, trạm đổ bộ và xe tự hành hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng nhưng đã bị chệch khỏi đường bay định trước do trục trặc phần mềm. Mặc dù vậy, tàu vẫn tiếp tục các hoạt động nghiên cứu Mặt Trăng từ quỹ đạo. Về cơ bản, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 gần như giống hệt Chandrayaan-2 ngoại trừ phần mềm đã được nâng cấp. Ngay sau khi phương tiện này được phóng thành công ngày 14-7-2023, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi chia sẻ: “Đây là chiến thắng vang dội cho một Ấn Độ mới”. Bên cạnh đó, ông cho rằng thành công này là bình minh của một kỷ nguyên mới, thành công này không chỉ của riêng Ấn Độ mà của cả thế giới, của toàn nhân loại.
Nhìn lại nỗ lực dẫn đến thành công của Ấn Độ mới thấy một quá trình dài cần nhiều quyết tâm, nỗ lực, trí tuệ, công nghệ, tài chính và nhiều yếu tố khác. Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng tương tự trong năm 2023. Những nước khác như Canada, Mexico và Israel đang có kế hoạch đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt Mặt Trăng. Ngoài ra có 6 cơ quan vũ trụ quốc tế đang hợp tác với chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia của nước này lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030.
Việc chạy đua lên Mặt Trăng không chỉ để khẳng định trình độ và niềm tự hào dân tộc. Tất nhiên, người chiến thắng trong cuộc đua này đã tự khẳng định mình có đủ trình độ khoa học và công nghệ trong công cuộc chinh phục vũ trụ. Thế nhưng, ắt hẳn “chị Hằng” còn phải có gì đó rất hấp dẫn.
Thông qua sứ mệnh Chandrayaan-1 của Ấn Độ, các nhà khoa học phát hiện ra các phân tử hydroxyl (bao gồm hydro và oxy) trải rộng trên bề mặt Mặt Trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa. Ngoài ra, trên Mặt Trăng còn có helium-3, một đồng vị của helium rất hiếm trên Trái Đất. NASA ước tính có khoảng 1 triệu tấn helium-3 trên Mặt Trăng. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm. Trong khi đó, một nghiên cứu của Tập đoàn Boeing cho biết các kim loại đất hiếm - được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến - hiện có trên Mặt Trăng, bao gồm scandium, yttrium và lanthanides.
Với kết quả nghiên cứu trên mặt trăng với 37,93 triệu km2, quả thực là kho báu chứa những nguyên tố hiếm, rất cần thiết cho cuộc sống của con người và kể cả trong lĩnh vực quân sự.
Điều đáng nói là kho báu của “chị Hằng” giờ lại đang mở cửa tự do cho các quốc gia có đủ khả năng tiếp cận bởi luật không gian hiện có không rõ ràng và đầy lỗ hổng. Hiệp ước ngoài không gian năm 1966 của Liên hợp quốc (LHQ) quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với Mặt Trăng hoặc các thiên thể khác và việc khám phá không gian nên được thực hiện vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Thế nhưng, các luật sư lập luận rằng quy định như vậy không nêu rõ liệu “một thực thể tư nhân” có thể tuyên bố chủ quyền đối với một phần của Mặt Trăng hay không khi hiệp ước của LHQ chỉ đề cập đến “quốc gia”. Chính vì vậy, Thỏa thuận Mặt Trăng năm 1979 tuyên bố rõ hơn: Không một phần nào của Mặt trăng “sẽ trở thành tài sản của bất kỳ quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc phi chính phủ, tổ chức quốc gia hoặc tổ chức phi chính phủ nào hoặc của bất kỳ cá nhân nào”. Dẫu vậy, thỏa thuận này chưa được bất kỳ cường quốc không gian lớn nào phê chuẩn. Nói cách khác: Cửa kho báu vẫn mở tự do.
Không chỉ riêng Mặt Trăng, khi chủ quyền quốc gia được quy định trên cả không gian thì vũ trụ mênh mông hiện nay dành cho bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có đủ tiềm lực để chinh phục tự do. Chính điều này khuyến khích có được những phát hiện mới về “chị Hằng”. Việc Ấn Độ lựa chọn cực Nam của Mặt Trăng để đổ bộ có ý nghĩa to lớn. Còn nhớ, khi sứ mệnh Apollo cuối cùng của Mỹ rời Mặt Trăng năm 1972, các nhà khoa học đánh giá Mặt Trăng khô và cằn cỗi. Nhưng kể từ đó, các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng lượng lớn nước đóng băng (băng nước) và kim loại đất hiếm có thể đang ẩn giấu trong các miệng hố tối đen và lạnh lẽo ở đó. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn sử dụng khu vực này trên Mặt Trăng làm căn cứ để hỗ trợ khám phá những nơi xa nhất của Mặt Trăng, với mục tiêu lâu dài hơn là học cách sống và làm việc trên một hành tinh khác. Nếu không dùng để uống, băng nước cũng có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu hoặc oxy. Người ta cũng hy vọng sẽ tìm thấy nhiều tài nguyên quý giá hơn trên Mặt Trăng để hỗ trợ các sứ mệnh khám phá trong tương lai.
“Chị Hằng” lại thêm hấp dẫn khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống bề mặt Mặt Trăng cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Là nước thứ tư có tàu đổ bộ nhưng là quốc gia đầu tiên đổ bộ lên cực Nam của Mặt Trăng, nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá, Ấn Độ sẽ giúp mở ra các chương trình thám hiểm không gian mới trong tương lai. Và dĩ nhiên, như thông tin về việc có hơn 400 sứ mệnh Mặt Trăng của chính phủ và tư nhân được lên kế hoạch cho giai đoạn 2022-2032 mà ông Kasaboski tiết lộ thì “chị Hằng” sẽ tất bật “đón khách” trong những thời gian tới.
Thanh Huyền