Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào DTTS, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào DTTS là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã và đang được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thứ nhất là tiến hành điều tra và kiểm kê để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS. Đến nay đã có 134 di sản văn hóa phi vật thể trên 271 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTTDL cũng chú trọng điều tra sưu tầm, thống kê và tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao. Đến nay đã hỗ trợ, phục dựng và bảo tồn được 85 lễ hội của đồng bào DTTS như Thái, Dáy, Brau, Ê đê, Khơ Mú, Pà Thẻn, Bố Y... Xây dựng các đề án bảo tồn làng bản, buôn truyền thống. Đến nay đã có hơn 32 làng bản, buôn của 35 dân tộc như Xtiêng, Khơ Mú, Mông, Mường, Tày, Dao, Lô Lô...
Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành xây dựng các dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của các DTTS. Hằng năm, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các DTTS có số dân dưới 10 nghìn người thông qua các việc mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân ít người như Mạ, La Hủ, Cống, Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brau, Chứt…tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Cao Bằng, Kon Tum...
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận nhiều di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, biến dạng và chưa có điều kiện để bảo tồn do không có nguồn ngân sách riêng cho lĩnh vực này, đồng thời đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội để nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
Hoàng Linh