Đại diện Ban Liên lạc Trung đoàn 1, Quân khu 9 tại Hà Nội đến nhà liệt sĩ Vi Văn Dính tại thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, lấy mẫu sinh phẩm thân nhân của liệt sĩ.
Cách đây 47 năm, đêm 11 rạng sáng ngày 12-4-1975, theo kế hoạch các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 (Trung đoàn U Minh), Quân khu 9 tiến đánh chi khu Ba Càng (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Trong trận chiến ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị thương và hy sinh. Do địch sử dụng hỏa lực quá mạnh nên còn nhiều thi thể các đồng đội đã hy sinh không thể đưa về.
Thời gian trôi qua, nhưng niềm thương tiếc khôn nguôi đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong trận đánh vẫn là nỗi đau âm ỉ trong lòng những người lính Trung đoàn 1. Cùng chung quyết tâm trở lại chiến trường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) bị thất lạc, những CCB đang sinh hoạt trong Ban Liên lạc của Trung đoàn tại khu vực Hà Nội tuy mang trên mình nhiều thương tật chiến tranh, tuổi cao, bệnh tật, vẫn luôn tâm niệm: “Đồng đội đã anh dũng hy sinh để mình được sống, chúng tôi cùng gắng sức, đồng lòng trên hành trình đi tìm đồng đội”.
Việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ ngày một khó khăn, nhưng các anh luôn cố gắng, cẩn thận nâng niu từ những manh mối nhỏ nhất. Những chuyến đi dài không chỉ hao tổn sức lực mà còn tốn kém tiền nong không ngăn được bước chân những người lính cựu. Đồng đội hy sinh phần lớn được những người dân địa phương chôn cất nhưng sau mỗi lần tập hợp, di chuyển tới các nghĩa trang liệt sĩ hầu hết bị mất dấu, phần lớn các bia không được ghi danh tính. Căn cứ từ những thông tin có được, Ban Liên lạc làm đơn gửi Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) và các cơ quan liên quan, đề nghị giám định mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Để có được mẫu sinh phẩm của liệt sĩ, các thành viên của Ban Liên lạc đã cùng cán bộ, cơ quan chức năng đến từng nghĩa trang, trực tiếp tham gia “mở mộ”. Sau khi lấy mẫu giám định xong, các anh lại đưa phần hài cốt của liệt sĩ trở lại nơi an táng.
CCB Vũ Doãn Tùng - Trưởng ban liên lạc cho biết: “Tìm mộ liệt sĩ đã khó, mà tìm thân nhân liệt sĩ cũng không kém phần khó khăn. Nhiều liệt sĩ bị sai thông tin về quê quán. Nhiều gia đình thân nhân đã chuyển nhà đi nơi khác... Việc chắp nối thông tin với gia đình của liệt sĩ mất rất nhiều thời gian và công sức”. Như trong hồ sơ của liệt sĩ Bùi Huy Hưng ghi quê Nghệ An, nhưng trong trí nhớ của đồng đội, anh sinh ra ở Hà Nội, quê gốc Nam Định. Lần tìm trong ký ức, dò hỏi thông tin về gia đình liệt sĩ Hưng, cuối cùng Ban Liên lạc đã tìm được địa chỉ nơi người anh trai của liệt sĩ chuyển đến sinh sống tại Hà Nội. Còn với gia đình của liệt sĩ Trần Văn Khanh ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Ban Liên lạc đã vận động, đóng góp tặng tiền, tivi và một con bò cái làm kế sinh nhai.
Với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Ban Liên lạc khoanh vùng và xác định được chính xác khu mộ tập thể nơi có nhiều HCLS hy sinh trận Ba Càng. Ban Liên lạc tập hợp được danh sách 52 liệt sĩ, kết nối với 45 gia đình liệt sĩ, giúp 35/45 gia đình liệt sĩ làm hồ sơ đề nghị xét nghiệm ADN và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân (30 gia đình phía Bắc, 5 gia đình phía Nam).
Ngày 17-4-2022, trong không khí trang nghiêm, xúc động của buổi lễ, lãnh đạo UBND phường Thổ Quan cùng các ban, ngành, đoàn thể và thân nhân liệt sĩ làm lễ đón 5 liệt sĩ trở về với gia đình. Những vòng hoa tươi thắm, nén nhang thơm quyện khói lan tỏa dưới làn mưa bụi. Nước mắt của niềm hạnh phúc của người thân các liệt sĩ làm những người lính Trung đoàn 1 năm xưa cảm thấy ấm lòng. Ông Bùi Mạnh Hùng - anh trai liệt sĩ Bùi Huy Hưng không cầm được nước mắt, chia sẻ: “Vậy là mẹ chúng tôi nơi chín suối đã an lòng. Tôi rất xúc động vì tình người, tình đồng đội của Ban Liên lạc Trung đoàn 1. Có nhiều lúc, tôi thấy mất hy vọng tìm thấy em trai, nhưng các anh đã đem đến cho gia đình một niềm vui khôn tả”. 5 liệt sĩ cùng đơn vị, cùng chiến đấu và hy sinh trong trận đánh Ba Càng khốc liệt năm ấy, hôm nay được cùng trở về với gia đình, đồng đội và cùng an nghỉ bên nhau tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Trao đổi với chúng tôi, CCB Trần Tường Huấn - Phó ban Liên lạc cho biết thêm: “Sắp tới, Ban Liên lạc tiếp tục hỗ trợ các gia đình của liệt sĩ đã xác định danh tính đưa liệt sĩ trở về quê hương. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm liệt sĩ hy sinh ở những trận chiến đấu khác của đơn vị”.
Tìm kiếm, quy tập và xác minh danh tính liệt sĩ là một việc làm vô cùng thiêng liêng, ý nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Những năm qua, để góp phần tìm kiếm, CCB trên khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập HCLS. Ban Liên lạc Trung đoàn 1, Quân đoàn 9 là tấm gương sáng, được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tìm kiếm HCLS. Các CCB luôn tâm niệm: Còn sức khỏe thì vẫn tiếp hành trình tìm kiếm đồng đội đã hy sinh, đưa họ về với thân nhân...
Hồ Thanh Hương