Cuộc bỏ phiếu đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQHđối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII tỉnh Long An tại cuộc họp của MTTQ tỉnh Long An ngày 17-4-2012 với đa số phiếu tán thành . Tiếp đó, ngày 18-4-2012 cuộc họp của Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam với 100% đại biểu biểu quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ QH trình ra kỳ họp thứ ba QH khóa XIII bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Hoàng Yến. Trải qua cuộc thẩm tra kỹ lưỡng, công phu của Ban công tác ĐBQH, mất rất nhiều thời gian công sức của nhiều cơ quan, tổ chức,đơn vị, kể từ khi báo nêu tháng 7-2011 đã mất gần 10 tháng ròng xem xét xác minh và bằng hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dân chủ, thận trọng, khách quan và có trách nhiệm của các đại biểu MTTQ tỉnh Long An và MTTQ Việt Nam với chứng cứ rõ ràng, vững chắc những tưởng bà Hoàng Yến thành khẩn nhận rõ sai lầm, chấp nhận sự phán quyết của các cơ quan có thẩm quyền, nào ngờ bà vẫn rắp tâm phản kích đến cùng hòng làm đảo lộn trắng đen. Bằng chứng rõ nhất là tại cuộc họp báo trái phép mà bà tổ chức ngày 21-4-2012 ở Long An, bà vẫn ngụy biện lập luận một cách vô lối nhằm bào chữa cho sai phạm của mình, lại nhỏ những giọt nước mắt đầy thương cảm khi nhắc đến người cha 83 tuổi đang bị tai biến khiến đang rất lo lắng cho bà khiến không ít người mủi lòng. Và theo nguồn tin riêng của Báo CCBVN, trong những ngày cả nước nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thì bà tất tả đến gặp gỡ lãnh đạo nỉ non thánh thót để mong được bênh che. Nữ đại gia như bà Hoàng Yến xưa nay là hiếm, còn dân gian thì cho rằng bà Hoàng Yến thuộc loại “ gái già mồm.”
Từ vu cáo đến tối hậu thư…
Từ nguồn có độ tin cậy cao, ngày 21-7-2011 Báo CCB Việt Nam đăng thư kiến nghị của công dân “Cần xem xét tư cách ĐBQH khóa XIII của bà Đặng Thị Hoàng Yến”. Lập tức kiến nghị này được cử tri cả nước quan tâm và bày tỏ sự bức xúc vì một người như bà Hoàng Yến lại lọt vào cơ quan quyền lực cao nhất là QH thay mặt nhân dân tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng quốc gia. Hai tuần lễ sau, báo Người cao tuổi vào cuộc với bài “Tri ân các cụ hay mua chuộc cử tri?”, chỉ rõ những sai phạm hiển nhiên của bà Hoàng Yến. Sau đó các tờ báo có uy tín khác cũng vào cuộc như các báo Người lao động, Tuổi trẻ , Thanh niên, Tiền phong… Báo Tuổi trẻ số ra ngày 20-4-2012 nhận xét: *Báo CCB Việt Nam và báo Người cao tuổi là hai tờ báo đầu tiên “phát pháo ” về bà Yến. Họ đúng là những “ông già gân”. Đi tìm sự thật về một nhân vật như bà Yến không phải là chuyện dễ dàng. Có thể phải đương đầu với nhiều cản trở, đối mặt với sự im lặng đáng sợ, sự tránh né, thậm chí có thể là “những áp lực khó lường”. *Từ thực tế những gì diễn ra cả năm qua khẳng định điều mà báo Tuổi trẻ nhận xét.
Ngay sau khi Báo CCB Việt Nam đăng bài, ngày 26-7-2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến có đơn đề nghị gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo, các đại biểu QH tố cáo Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam vu cáo xuyên tạc sự thật về bà, đăng bài báo để “đòi hối lộ bà Yến”. Bà Yến quy kết: Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam đang tiếp tay cho những thế lực giả danh lãnh đạo và các thế lực phản động nước ngoài làm mất uy tín Đảng, Nhà nước, Quốc hội và phá hoại sự ổn định của đất nước. Bà Yến yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ động cơ của Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam để xử lý theo pháp luật, không để lợi dụng uy tín của Hội CCB thực hiện các hành động phạm pháp và góp sức để chống phá đất nước. Báo CCB Việt Nam đã có công văn trả lời bà Yến: Nếu bà khẳng định Báo CCB Việt Nam viết sai sự thật thì bà có thể khởi kiện ra tòa án, nhưng bà Yến im lặng.
Vào tháng 11-2011, kết thúc kỳ họp thứ 2 QH khóa XIII, khi có báo cáo bước đầu về việc xác minh những vấn đề Báo CCB Việt Nam nêu về bà Hoàng Yến tưởng vậy là xong nên ngày 13-12-2011, bà Yến có thư yêu cầu gửi Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam, thực chất là một tối hậu thư, yêu cầu Báo CCB Việt Nam: *- Công khai xin lỗi bà Yến và đăng thư yêu cầu của bà Yến trên trang nhất Báo CCB Việt Nam bằng số lần báo đã đăng các bài về bà Yến. **- Rút toàn bộ hình ảnh, các bài, ý kiến độc giả, bài viết, nhận xét trong thư mục bạn đọc trên Báo điện tử CCB Việt Nam. *- Viết văn bản gửi lãnh đạo và các cơ quan công khai xin lỗi về các nội dung vu khống bôi nhọ bà Yến. Báo CCB Việt Nam trong số ra ngày 22-12-2011 đã đăng bài trả lời thư yêu cầu của bà Yến ‘'Bà Đặng Thị Hoàng Yến có trong sạch, có xứng đáng là ĐBQH không?”. Với tinh thần nghiêm túc, báo khẳng định những vấn đề báo nêu là đúng sự thật, đồng thời đính chính về một số chi tiết không chính xác như quê bà Yến ở phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh chứ không phải ở Hải An, Hải Phòng. Hải An, Hải Phòng là quê mẹ của bà Yến. Bà Yến không bị khởi tố nhưng bị cấm xuất cảnh 2 năm vì liên quan đến chuyên án AB98 đánh cắp bí mật Nhà nước. Bà Yến sang Mỹ làm ăn chứ không phải trốn ra nước ngoài… Trong bài báo này, ngoài các vấn đề đã nêu về bà Yến, Báo CCB Việt Nam chỉ ra 3 điều mới về bà Yến: Một là bà Yến đã là đảng viên mà ứng cử ĐBQH với tư cách người ngoài Đảng. Hai là, bà Yến có chồng là Trần Jimy là phần tử bất hảo, phạm tội lừa đảo, bị truy nã toàn quốc đã bỏ trốn về Mỹ. Ba là bà Yến khai được nhiều khen thưởng của Việt Nam trong thời gian bà định cư ở Mỹ. Như vậy bà Yến đã không trung thực trong khai lý lịch, không xứng đáng là ĐBQH. Tiếp đó, trong số ra ngày 15-3-2012, báo CCB Việt Nam đăng bài “Sự thật dần sáng tỏ”, nêu rõ những điểm không trung thực của bà Yến đã được cơ quan chức năng làm rõ.
Biết là sai phạm, vẫn cố bào chữa
Những lời nói và việc làm của bà Yến dù là một công dân bình thường cũng khó chấp nhận huống hồ bà đường đường là một ĐBQH. Tòa án Long An 3 lần mời bà đến làm việc về vụ án ly hôn của bà nhưng bà không đến. Khi báo chí nêu lên, bà nại lý do bận việc và giấy mời đến nhầm địa chỉ. Ban Công tác đại biểu là cơ quan được Uỷ ban Thường vụ QH giao xem xét xác minh về bà Yến thế mà cơ quan này mời bà đến làm việc hoặc có bản giải trình nhưng bà cũng không đến làm việc và cũng không gửi bản giải trình. Trả lời phỏng vấn của báo Người Lao động, bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban công tác ĐBQH nêu rõ: Bà Yến đang cố biện minh cho sai phạm của mình. Nhân dân làm sao chấp nhận một ĐBQH không trung thực”. Về việc bà Yến đòi đối thoại, bà Nương khẳng định: Tổ chức đã mời bà Yến ra làm việc mà ĐB này không ra thì chẳng cần thiết phải đối thoại thêm nữa. Một người dân bình thường cũng ý thức được việc chấp hành khi cơ quan Nhà nước mời đến làm việc chứ nói gì đến ĐBQH.
Đã vậy, khi sự việc gần đến hồi kết, bà Yến vẫn tìm mọi cách chạy chọt khắp nơi và không phải không có người có ý định bênh che cho sai phạm của bà. Ngày 21-3-2012, Cục báo chí có công văn đề nghị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng hình thức phạt hành chính Báo CCB Việt Nam và báo Người cao tuổi vì “đưa tin sai sự thật về bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An”. Trong khi báo CCB Việt Nam và Báo Người cao tuổi không có văn bản này thì bà Hoàng Yến lại có và bà photo hàng trăm bản gửi đi các nơi và gửi các ĐBQH, coi đó như là bùa hộ mệnh để bà phủi sạch sai phạm. Tiếc thay cây gỗ mục không thể cứu người chết đuối. Thanh tra Bộ Thông tin đã không phạt Báo CCB Việt Nam và báo Người cao tuổi như Cục Báo chí đề nghị và có văn bản yêu cầu bà Yến rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục hậu quả vì bà đã photo văn bản nói trên gửi cho những người không có trách nhiệm. Trong cuộc họp Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 18-4, nhiều ý kiến đề nghị phải có hình thức khen thưởng cho hai Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam và Báo Người cao tuổi. Khi có kết quả từ cuộc họp của MTTQ tỉnh Long An và MTTQ Việt Nam đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH bà Hoàng Yến thì bà vẫn cố đấm ăn xôi, họp báo trái phép vào ngày 21-4-2012 để bào chữa cho sai phạm và vớt vát danh dự. Trâng tráo đến mức, bà nêu yêu cầu: Phải làm rõ ai tẩy xóa và viết thêm vào tờ khai lý lịch của bà; xem xét các ĐBQH khác có tình trạng hôn nhân như bà hoặc là đảng viên rồi mà cũng không khai như bà và đổ vấy cho việc bà khai lý lịch man trá là lỗi của cơ quan hướng dẫn bà khai lý lịch.Nhiều người có trách nhiệm đã vạch ra sự thiếu căn cứ của bà. Bởi vì việc viết tên chồng cũ của bà là ông Nguyễn Trí Hải, sinh năm 1959, mất năm 1989 thì không thể một cán bộ Sở Nội vụ hay UB bầu cử tỉnh Long An có thể biết được mà tự ý thêm vào. Mặt khác bà Yến vốn ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng trước ngày bầu cử vài tháng, bà đã chuyển hộ khẩu về Long An và đăng ký tạm trú ở Đức Hòa, Long An từ tháng 1-2011. Vậy thì chỉ có bà mới biết chồng cũ của mình và tự ghi để tránh ghi tên chồng mới là Trần Jimmy vốn chẳng tốt đẹp gì. Thế mà bà dám đổ lỗi cho cơ quan, tổ chức khác tẩy xóa, sửa chữa và mạo lý lịch của bà. Dư luận cho là lố bịch vì bà là một nữ đại gia, có bằng đại học, từng nhiều năm làm ăn ở Mỹ, từng ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, hẳn không phải là người kém hiểu biết để đến nỗi không biết khai lý lịch thế nào? Có chăng chỉ là việc bà cố ý tạo ra một bản lý lịch đẹp đẽ để đánh lừa tổ chức mà thôi.
Trong 13 khóa Quốc hội đã có một số ĐBQH bị bãi nhiệm vì những sai phạm và khuyết điểm trong quản lý, điều hành nhưng chưa có trường hợp nào như bà Hoàng Yến khai man lý lịch. Cực chẳng đã phải loại bà ra khỏi QH hoàn toàn do bà gây nên chứ bà không thể đổ vấy cho ai. Cử tri cả nước đề nghị QH khóa XIII trong kỳ họp thứ 3 này vào tháng 5-2012 căn cứ vào đề nghị của MTTQ tỉnh Long An và MTTQ Việt Nam để có quyết định cuối cùng về bà Hoàng Yến mong đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của nhân dân về người đại biểu của mình.
Ban công tác bạn đọc Báo CCBVN