Theo hãng tin Kyodo, thông tin này được một quan chức giấu tên tiết lộ sau cuộc tham vấn giữa ASEAN và các cường quốc hạt nhân trên về các biện pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản liên quan tới sự tham gia của năm cường quốc hạt nhân vào nghị định thư về SEANWFZ.
Cuộc tham vấn này được tổ chức ở Geneva (Thụy Sỹ) sau 10 năm thương lượng bế tắc.
Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết tại cuộc tham vấn vừa qua, hai bên đã quyết định sẽ tiếp tục gặp nhau vào đầu tháng 10 bên lề cuộc họp của Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc để tiếp tục thương lượng.
Trong SEANWFZ, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1997, 10 nước thành viên ASEAN cam kết không chế tạo, mua hoặc thử vũ khí hạt nhân, đồng thời không cho phép vũ khí hạt nhân triển khai trên lãnh thổ của các nước này.
Nghị định thư về SEANWFZ được soạn thảo nhằm buộc năm cường quốc hạt nhân trên cam kết tôn trọng tình trạng này của khu vực, đồng thời không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước ký kết hoặc bất cứ nước nào khác trong khu vực phi hạt nhân này.
Trung Quốc đã khẳng định sẵn sàng tham gia vào nghị định thư trên, song bốn cường quốc hạt nhân còn lại cho biết họ chưa thể ký văn bản này.
Nguyên nhân chủ yếu là do hiệp ước này bao trùm cả các thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế, vốn vẫn chưa được phân định rõ ràng trên Biển Đông và nó có thể ảnh hưởng tới việc tự do đi lại của các tàu chiến và tàu ngầm qua khu vực này, cũng như việc cập cảng của các tàu chiến có khả năng chở vũ khí hạt nhân./.
Tuyết Sơn