Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Thưa đồng chí, so sánh hình ảnh nông thôn Việt Nam nói chung thì nông thôn Hà Tĩnh có đặc điểm gì nổi bật. Những khó khăn và thuận lợi khi bắt tay vào xây dựng NTM.
Đồng chí Lê Đình Sơn: Hà Tĩnh, một vùng quê của đất nước Việt Nam, có bề dày truyền thống hơn 180 năm, có đặc trưng chung và mang những nét tương đồng của các tỉnh Bắc Trung Bộ, tuy vậy vẫn có nét riêng của văn hoá xứ nghệ. Nông thôn Hà Tĩnh phải chịu rất nhiều khó khăn, những khó khăn đó đã kéo dài qua nhiều thế hệ, tập trung nhất là ở vùng quê. Người Hà Tĩnh hay ví đó là “chảo lửa túi mưa”, nắng thì nắng chang chang, mưa thì như trút. Ví như năm 2010, lượng mưa của Hà Tĩnh nơi cao nhất là 4.500ml, cao gấp 2 lần so với bình quân chung của các năm, nếu so với tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh phía Nam của miền Trung, lượng mưa trung bình chỉ 1.000ml.
Còn nói về nắng nóng thì năm 2009, nắng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, nắng hết sức gay gắt. Nếu tính tần suất của bão lũ, trong 10 năm từ 2001đến năm 2010, Hà Tĩnh phải chịu các trận bão lũ lớn trong các năm 2002, 2007, 2009 mà đặc biệt là năm 2010. Năm đó, Hà Tĩnh bị trận lũ kép gây thiệt hại trên 6.300 tỷ đồng, cộng lại bằng 6 năm thu ngân sách của tỉnh. Hậu quả đó phải mất nhiều năm nữa mới khắc phục xong.
Một đặc điểm nữa là Hà Tĩnh nằm trong dải đất miền Trung nhưng rất hẹp, chiều dài từ tây sang đông nhỏ nhất 50km, điểm cao nhất ở huyện Hương Sơn là 1.300m so với mặt biển, lại có độ dốc từ tây sang đông, cho nên đã dốc thì độ bào mòn rất lớn. Với lại, Hà Tĩnh có tuyến đê sông, đê biển rất nhiều, tổng cộng 318km. Bốn cửa sông, trong đó có 2 sông chính là Ngàn Phố và Ngàn Sâu. Có cả mặt thuận nhưng cũng có mặt nghịch. Vùng trên là lũ quét, vùng dưới hạ lưu bị lũ dồn xuống như huyện Đức Thọ sống trong vùng lũ.
Khó khăn là thế nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hà Tĩnh vẫn có nhiều thuận lợi. Đó là: người Hà Tĩnh cần cù, chịu khó, trong gian khổ luôn tìm mọi cách để vượt lên ổn định cuộc sống; kế đó là địa bàn nông thôn của Hà Tĩnh chiếm đại đa số, có 235/262 xã là địa bàn nông thôn, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn chiếm xấp xỉ 84%, tỷ lệ người làm nông nghiệp chiếm 69%. Thuận lợi nữa là: trước đó Hà Tĩnh đã có NQ 02 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá 15 vào cuối năm 2001, xác định phải xây dựng khu vực nông thôn phát triển cùng tiến kịp với đô thị. Cuối năm 2009, T.Ư chọn Hà Tĩnh là một trong 5 tỉnh làm điểm về xây dựng NTM, đây là điều kiện rất thuận lợi và là “cơ hội vàng” cho Hà Tĩnh.
Đề cập về sự khởi động chung tay xây dựng NTM của tổ chức Hội CCB các cấp ở Hà Tĩnh, đồng chí Lê Đình Sơn nói:
Xây dựng NTM là toàn tỉnh cùng vào cuộc, nhưng các tổ chức trong hệ thống chính trị đóng một vai trò hết sức quan trọng. Lực lượng CCB, một lực lượng anh hùng trong kháng chiến, giờ lại là những người tiên phong đi đầu trong xây dựng NTM. Ở các vùng nông thôn, chúng tôi xin khẳng định Hội CCB trở thành trung tâm và là chỗ dựa quan trọng, chỗ dựa này là chỗ dựa về mặt niềm tin. Chính vì vậy cho nên phong trào của Hội CCB triển khai giải tỏa hành lang ATGT, hiến đất, tham gia giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng NTM rất có sức thuyết phục. Hội CCB đến đâu thì người dân ủng hộ đến đó. Tôi cho rằng đây là một phong trào rất tốt, có sức lan tỏa nhanh và có kết quả cao. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Hội CCB trong phong trào xây dựng NTM và mong muốn sắp tới Hội CCB cũng sẽ tiếp tục đi đầu và là chỗ dựa quan trọng để cùng với toàn Đảng, toàn dân xây dựng NTM.
Khi nói đến mục tiêu phấn đấu của Hà Tĩnh trong những năm tới về xây dựng NTM, đồng chí Lê Đình Sơn cho biết:
Với mục tiêu là Hà Tĩnh quyết tâm phấn đấu cho người dân có một đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên. Hà Tĩnh xin khẳng định, xây dựng NTM không có nghĩa là làm mất nét văn hoá nông thôn của đồng quê Việt Nam, nghĩa là phải có nét riêng cốt cách của nông thôn Hà Tĩnh. Muốn vậy, phải có kết cấu hạ tầng xây dựng hiện đại, sản xuất phát triển, nông thôn dân chủ, bản sắc văn hóa được giữ gìn, đời sống vật chất tinh thần của người dân được bảo đảm. NQ Đại hội khóa 17 Đảng bộ tỉnh xác định phấn đấu đến năm 2015 có trên 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 48/48 xã.
Bài trả lởi phỏng vấn cách đây vừa đúng 3 năm, những con số mà đồng chí Lê Đình Sơn đưa ra giờ đã trở thành hiện thực ở Hà Tĩnh. Năm 2013 có 7 xã đạt chuẩn NTM, năm 2014 có 19 xã về đích NTM; năm 2015 Hà Tĩnh phấn đấu có 26 xã về đích NTM, nâng tổng số xã về đích NTM lên 49 xã và đưa Hà Tĩnh lên tốp đầu của T.Ư về phong trào xây dựng NTM.
Từ tháng 5-2015, đồng chí Lê Đình Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó đồng chí đã từng đảm nhận các chức vụ Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo CCB Việt Nam xin lược lại vài nét trong bài viết: “Ấn tượng về một bài phỏng vấn” nhằm tri ân tình cảm và sự quan tâm chia sẽ của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dành cho báo CCB Việt Nam. Xin chúc cho phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự điều hành của đồng chí Chủ tịch sẽ thu được nhiều thắng lợi mới.
Bài và ảnh: Anh Thi-Đức đạo