Việt Nam và Mỹ vừa đạt được thoả thuận về hoàn tất việc chuyển đổi hoàn toàn lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt từ nhiên liệu urani độ giàu cao (HEU) sang urani độ giàu thấp (LEU) và tháo dỡ số nhiên liệu HEU còn lại. Đây là hoạt động khẳng định hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington hồi tháng 4/2010 về việc chuyển đổi hoàn toàn lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt vận hành lò phản ứng có công suất 500 KW, được xây dựng năm 1963 với sự trợ giúp của Mỹ, để sản xuất các chất đồng vị sử dụng trong y tế và tiến hành nghiên cứu hạt nhân. Hồi tháng 9/2007, Cục An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) giúp Việt Nam chuyển đổi một phần lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt từ nhiên liệu HEU sang LEU và đưa 4,3kg HEU còn mới trở về Nga.

Ngày 1/12 vừa qua, Việt Nam và Mỹ thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác chuyển đổi hoàn toàn và đưa nhiên liệu HEU đã qua sử dụng từ Đà Lạt trở về Nga. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép chuyển đổi hoàn toàn lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt như một phần trong chiến lược không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện. Đại sứ Mỹ tại IAEA và LHQ Glyn Davies nhận định Việt Nam đang "dẫn đầu" trong ASEAN về phát triển năng lượng hạt nhân với những quan điểm "tiên tiến", có cam kết mạnh mẽ với các nguyên tắc về an toàn, an ninh. Ông khẳng định Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam về hạt nhân thương mại.

Trước Mỹ, Nga và Nhật Bản vừa đạt thoả thuận về xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2 tại Việt Nam, nhưng ông Davies nói Mỹ không lo "tụt hậu" và tin tưởng về triển vọng hợp tác giữa hai nước. Hiện đang có một cuộc cạnh tranh giữa ít nhất 6 nước để giành cơ hội xây dựng những nhà máy hạt nhân hiện đại ở Việt Nam với những công nghệ tốt nhất, mới nhất, hiện đại nhất. Việt Nam có thể "đi tắt đón đầu" để sử dụng những công nghệ tốt nhất mà không lo ngại nguy cơ trở thành "bãi thải hạt nhân".

Hoàng Linh (TH)