**1. Uống rượu, ăn nếp cẩm
**
Trong ngày tết Đoan Ngọ, mọi người thường ăn cơm nếp cẩm được nấu hoặc lên men cùng với rượu. Theo y học cổ truyền, cơm rượu nếp cẩm có vị ngọt, tác dụng của nó là bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm…

Vào sáng mùng 5-5 âm lịch, tất cả mọi người sau khi vệ sinh cá nhân đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp cẩm với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
Ăn rượu nếp với mong muốn đẩy lùi bệnh tật.
**2. Ăn trái cây “nóng”
**
Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây có vị chua chua và nóng như: mận, vải, xoài… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.

**3. Ăn thịt vịt
**
Nếu như thịt vịt là món ăn bị kiêng kị ăn vào những ngày đầu tháng thì nó lại rất được ưa chuộng trong đầu tháng 5. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.

**4. Hái lá thuốc
**
Tục hái thuốc mồng Năm cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư.

Vào giờ này, người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, không kể nhiều ít.

**5. Khảo cây đúng giờ Ngọ
**
Khảo cây (còn gọi là đánh cây) thể hiện ước mong cuộc sống luôn sung túc như cây cối luôn đơm đầy hoa trái. Mỗi vùng có một cách khảo cây khác nhau nhưng đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa. Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh.

Để khảo cây, cần có hai người. Một người trèo lên cây “đóng vai” là cây (thường là trẻ em). Người đứng dưới gốc cầm dao gõ vào thân cây, vừa gõ vừa hỏi tại sao năm nay ra ít quả? Người trên cây sẽ đáp trả lý do tại sao ra ít quả, hoặc không ra quả, do sâu bệnh hoặc do thời tiết. Người đứng dưới lại tiếp tục hỏi mùa tới có ra quả hay không, nhiều hay ít quả và “dọa” nếu không cho quả như ý muốn thì sẽ bị đốn hạ. Người trên cây trả lời những câu hỏi với giọng cuống quýt, van xin đừng đốn, đồng thời hứa sẽ cho nhiều quả to vào mùa sau.

Thu Thảo