Tại buổi tọa đàm “Hướng tới một giải pháp tối ưu cho bệnh nhân đái tháo đường và người có nguy cơ” nằm trong chương trình “Ngày hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cảnh báo đái tháo đường ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/11, giáo sư Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nói: Hiện người dân Việt Nam chưa nhận thức được hết sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Rất nhiều trường hợp chỉ khi căn bệnh biến chứng mới biết mình bị mắc bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường là một bệnh mãn tính, tiến triển với nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt có thể gây mù lòa, suy thận…, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn tới tử vong.
Các nhà khoa học đã chứng minh, bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lí tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.
Ở mức độ cộng đồng, các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ như quá cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit… phải được tư vấn, phát hiện sớm. Điều này giúp việc phòng chống bệnh đái tháo đường có hiệu quả, tiết kiệm được nhiều chi phí điều trị bệnh và các biến chứng sau này
Theo nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam hiện xấp xỉ 5% dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tại cộng đồng còn cao hơn nhiều, khoảng 15-20%.
Đặc biệt bệnh đái tháo đường đang xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh…
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 3,2 triệu người chết do bệnh đái tháo đường, tương đương với số người chết vì căn bệnh HIV/AIDS. Chi phí khám, điều trị và phòng chống mỗi năm hết khoảng 232 - 430 tỷ USD. Chính vì sự nguy hiểm của căn bệnh này mà xã hội phải chung sức tìm ra những hướng giải quyết để chắn đứng sự phát triển của nó.
Bộ Y tế phối hợp cùng Tổng hội y học Việt Nam đã tổ chức “Ngày hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cảnh báo đái tháo đường ở Việt Nam” nhằm hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11)./.
Cao Thuý