Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, ngày 31/3 các doanh nghiệp phải tự in hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên, đến nay, cả nước vẫn còn có 15 tỉnh vướng mắc chuyện hóa đơn. Trong đó, tập trung ở TP Hồ Chí Minh, có hơn 4.000 doanh nghiệp; ở Hà Nội là hơn 2.000 doanh nghiệp; ở Bình Dương còn 400 doanh nghiệp, ở Đắk Lắk 93 doanh nghiệp...
Ở các tỉnh còn lại, mỗi Cục thuế còn khoảng 10-12 doanh nghiệp gặp vướng mắc. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó trong việc tự in hóa đơn là hơn 6.400 trên tổng số hơn 420.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.
Bộ Tài chính khẳng định: Đối với số DN còn vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ hết sức. Cụ thể là, từ Tổng cục thuế, các Chi cục thuế phải có trách nhiệm phối hợp với các nhà in, giúp các DN. Sẽ có 7.000 cán bộ thuế được tập huấn hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Phần mềm in hóa đơn, phần mềm kế toán có tính năng in hóa đơn sử dụng miễn phí sẽ được cung cấp thông qua mạng internet, USB, hoặc đĩa CD.
Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp phần mềm cam kết miễn phí tối thiểu 6 tháng đến 1 năm. Việc một số nhà cung cấp phần mềm gây khó, ép doanh nghiệp phải sử dụng phần mềm kế toán của mình mới có thể tích hợp được in hóa đơn là việc làm sai và phải chấm dứt ngay. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần lưu ý không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp phần mềm tự ý tăng phí.
Vẫn còn có mối lo ngại về việc có thể phát sinh tội phạm khi tiến hành tự in hóa đơn. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: “Bộ Tài chính vẫn cảnh giác cao với rủi ro, do đó cơ quan thuế sẽ tập trung hậu kiểm chặt chẽ, siết chặt hơn việc hoàn thuế, khấu trừ thuế, có thể ở mức gần 100% các DN. Đồng thời, việc kiểm tra qua hệ thống thanh toán của ngân hàng (từ 20 triệu đồng trở lên thanh toán không dùng tiền mặt) và việc chấp hành của các nhà in cũng sẽ đóng vai trò quan trọng".
A Hoàng