Mùa xuân sang,thời tiết mát mẻ,ấm áp,cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc,đây cũng chính là mùa sinh sôi nẩy nở của muôn loài động vật trong thiên nhiên. Loài chim cũng bắt đầu mùa sinh sản từ mùa xuân cho đến mùa hạ,vào thời điểm này, các vùng rừng núi cho đến nông thôn thường có những vườn cây rộng rãi,rợp bóng cây xanh với những cành lá xum xuê để loài chim tìm về xây tổ ấm,sinh sôi nảy nở để duy trì giống nòi!
Nhưng ở đây,chúng tôi muốn quan tâm,đề cập đến một số loài như:chim sâu,chim vành khuyên,chim chào mào,chim ri mà thôi.
Thời điểm này,chúng thường tìm “bạn tình” để tán tỉnh và kết bạn,đây cũng là thời gian cao điểm mà chúng ta được nghe tiếng chim chuyền cành hót líu lo,ríu rít như “bản nhạc không lời”để tán tỉnh nhau…và đây cũng là thời điểm chúng bắt đầu tìm đến những vị trí kín đáo,cây cối um tùm và hiểm trở để làm tổ,với sự ngụy trang rất tinh vi và khôn khéo,để tránh sự nhòm ngó của đồng loại cũng như con người(đặc biệt là lũ trẻ) phá hoại tổ chim non.
Loài chim làm tổ hết sức khoa học, tinh tế cả về không gian và thời tiết,tổ chim vừa đảm bảo về mật độ ánh nắng lọt vào trong tổ,nhưng mưa gió cũng không ảnh hưởng đến chim non.
Tổ chim được làm rất đa dạng,phong phú ở nhiều nơi khác nhau,chim chào mào thường làm trên cành cây cao;chim chích chòe làm tổ ở cây kè(lá cọ) loài cò thì làm tổ rất thô(xấu)trên những thân cây cao to;chim ri thường làm tổ ở mái ngói,tận dụng các lỗ cây cau trên mái nhà;chim chiền chiện lại làm tổ trong các hốc tre;chim chìa vôi làm tổ ngay trên bụi cỏ ngoài đồng.Trong đó,loài chim vành khuyên,chim chích nghệ(chim sâu) lại làm tổ trên những cây cau,bụi sấu,lá ráng có tán lá to,mọc um tùm.
Tổ chim vừa đẹp,vừa nhỏ,gọn lại vừa bền,nhưng để lại ấn tượng nhiều nhất vẫn là tổ chim vành khuyên,chim sâu.Loài chim này chúng thường lấy lá cỏ khô về rồi dùng cái mỏ đan(kết lại) với nhau rất cầu kỳ,bề ngoài tổ chim có một lớp tơ nhện và rêu xanh bao phủ.Trong như những công trình kiến trúc hiện đại.
Sau khi làm tổ xong,chim bắt đầu đẻ trứng,và từ đó chim bố,mẹ thường thay nhau ấp trứng,và quan sát để bảo vệ tổ chim cho đến lúc đàn chim non chào đời.
Thời gian này,chim bố và chim mẹ liên tục thay nhau đi kiếm thức ăn(bắt các loại sâu bọ)về cho chim non ăn.Nên dễ bị con người phát hiện!
Đây là thời điểm chim bố mẹ luôn canh cánh bảo vệ đàn con của mình trước sự săn lùng dã man của lũ trẻ con,trẻ chăn trâu(thậm chí cả người lớn) mỗi khi phát hiện ra tổ chim non là tìm mọi cách để bắt về nuôi nhốt,hoặc bán ra thị trường tiêu thụ!
Theo ước tính của một số cụ cao niên cho biết,hàng năm cứ vào mùa sinh sản,loại chim lại mất đi khoảng ½ số lượng chim non sinh sản do bàn tay con người gây ra.
Đặc biệt, loài chim vành khuyên,chim chích nghệ(chim sâu) rất có lợi trong việc “thay người” bắt sâu bọ phá hoại mùa màng,chưa kể đến vẻ đẹp và sự gần gũi,thân thiện giữa con người và động vật thiên nhiên mỗi khi đàn chim cất cao tiếng hót thánh thót,líu lo,tạo sự vui nhộn,huyên náo sau lũy tre làng mỗi sáng trưa hè,giúp cho chúng ta quên đi nỗi vất vả mệt nhọc trong lao động sản xuất.
Minh Lý