Thượng tướng Đinh Đức Thiện.
Sinh thời, Thượng tướng Đinh Đức Thiện, giữ nhiều chức vụ về Đảng, Nhà nước, Quân đội, được nhiều người cho là rất nóng tính. Cũng vì thế, có những chuyện về tính nóng của ông đã trở thành giai thoại. Đại tá Phan Hữu Đại thời gian làm Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy Binh trạm 27 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã có kỷ niệm rất thú vị về tính nóng của Tướng Đinh Đức Thiện. Ông kể lại:
Đợt 1 chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (trung tuần tháng 2-1971) của ta vừa kết thúc, tôi nhận được điện mời đến một địa điểm ở bắc đường 16 dự cuộc họp do đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm TCHC chủ trì. Đến dự có các Binh trạm trưởng thuộc Bộ Tư lệnh Tiền phương TCHC. Chỉ có tôi - Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy Binh trạm 27 và anh Nguyễn Văn Lạn - Binh trạm trưởng Binh trạm 9 là cán bộ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trực tiếp phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nên được mời họp. Tôi chưa bao giờ được làm việc với tướng Đinh Đức Thiện, nhưng cũng có dịp tiếp xúc với ông. Ở cuộc triển lãm thành tựu của TCHC tổ chức tại Viện 108 năm 1956, mà tôi được tham gia; thấy ông (khi đó là Cục trưởng Cục Vận tải) tới xem chiếc ô tô du lịch “Chiến Thắng” do ta cải tiến (nhưng lại cho là sản xuất), tôi đề nghị ông cho ý kiến. Ông nói ngay, chẳng do dự: “Xe của các anh nhìn lấc cấc lắm!”. Tôi phản ánh ý kiến của ông lên đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ nhiệm TCHC, đồng chí Thanh Bình cười, làm tôi cũng bật cười.
Sau này, tôi nghe anh em nói tướng Đinh Đức Thiện rất cương trực, thẳng thắn; nhưng cũng rất nóng tính. Tôi cũng nghe một số anh em kể một vài chuyện như tiếu lâm về ông. Với bộ đội Trường Sơn, tôi được nghe anh Ngọc - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe 101 kể hồi ông Thiện vào kiểm tra tuyến đường Trường Sơn; biết chuyện Tiểu đoàn của anh bị máy bay địch đánh cháy 20 xe ở cua chữ S trên đường 9, ông nổi nóng, đòi tước quân hàm của anh. Nhưng Ngọc rất cứng đầu, gỡ luôn quân hàm Thiếu tá trao ngay cho ông và nói: “Lần sau, có thể tôi sẽ mang đầu về nộp cho đồng chí”. Nghe vậy, ông Thiện nhìn thẳng vào Ngọc và hỏi:
- Anh nói như vậy là thế nào?
- Tôi nói như vậy là vì xe chúng tôi đi không có ai bảo vệ; địch đánh thế, xe cháy chứ người rồi cũng chết.
Nghe có lý, biết mình nóng nảy vô lối, nên tướng Thiện trao lại quân hàm cho Ngọc. Sau này biết chuyện, ai cũng bảo Ngọc quả là con người dũng cảm và tướng Đinh Đức Thiện cũng không qua cực đoan. Cũng nói thêm, hồi ở tuyến, chúng tôi vẫn thân tình gọi anh Ngọc là Ngọc “thọt” vì anh bị thương ở chân, đi cà nhắc. Rất buồn là sau đó, Ngọc đã hy sinh trong khi chỉ huy Tiểu đoàn làm nhiệm vụ.
Lần này trực tiếp làm việc với tướng Thiện, tôi mới thấy ông nóng thật, nóng quá! Dĩ nhiên cũng chỉ nóng tùy từng người. Vào cuộc, ông lắng nghe tôi và anh Lạn báo cáo tình hình phục vụ mặt trận. Ông còn động viên, ôn tồn bảo chúng tôi có yêu cầu gì không. Được lời như cởi tấm lòng, tôi đề nghị ông giải quyết mấy vấn đề: Một là, thương binh nhiều, đường rất xấu, địch đánh mạnh, xe phải chạy nhanh, rất xóc; thương binh đau đớn kêu rên, rất tội; đề nghị Thủ trưởng cho xin vài trăm chiếc đệm hơi. Hai là, máy bay AC.130 đã chuyển thủ đoạn đánh đạn 40 ly, mảnh văng rất xa, lái xe thương vong nhiều, đề nghị cho xin 100 bộ áo giáp, mũ sắt. Chưa kịp đề nghị vấn đề thứ ba, thì ông đã nổi khùng lên, mắt nhìn sòng sọc vào hai cán bộ của Bộ Tham mưu TCHC đi cùng, rồi quát to:
-Bọn các anh là lũ quan liêu, dối trên lừa dưới, chuyên trò báo cáo láo. Tôi đã phải lặn lội sang đất nước người ta xin được hàng nghìn mũ sắt, áo giáp, hàng vạn đệm hơi. Vậy các anh để đâu? Tôi cho các anh biết, hãy lột sao bỏ xuống rồi vào chiến trường, đừng có hòng mà về Hà Nội…
Thấy hai anh ngồi im, không nói một lời, tôi cảm thấy hơi lạ. Sau này, tôi mới nghe nhiều người nói lại khi tướng Thiện nổi nóng, thì im lặng là thượng sách, yên ổn nhất. Thú thực, lần đầu tiên gặp trường hợp như thế này, tôi rất ngỡ ngàng và thôi luôn ý định đề nghị tiếp, bởi không khéo ông lại nổi nóng, đổ bực tức lên đầu cán bộ giúp việc thì chẳng hay chút nào. Thấy tôi im lặng, ông hỏi:
- Đồng chí cần gì nữa không?
- Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi chỉ đề nghị chừng ấy thôi ạ!
Thấy chúng tôi không còn ý kiến gì thêm, ông chốt lại mấy điểm: Một là phải bằng mọi cách bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho chiến dịch. Cần gì cứ báo cáo thẳng với Tổng cục, tôi sẽ chi viện kịp thời. Hai là, toàn bộ số xe hiện có của Binh trạm 27 chỉ để phục vụ cho chiến dịch, tạm ngừng vận chuyển chiến lược. Nhiệm vụ đó, các binh trạm Tây Trường Sơn đảm nhiệm.
Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, về đến sở chỉ huy Binh trạm, tôi gọi điện, báo cáo ngay ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm TCHC lên Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, nói rõ ý kiến tạm dừng vận chuyển chiến lược để tập trung phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Nghe xong, anh Nguyên nhẹ nhàng nói:
- Anh Thiện lo cho hướng chiến dịch lúc này là phải. Nhưng đồng chí cần chi viện cho hướng anh Lạn để tiếp tục đưa hàng vào Tây Nguyên, Nam Bộ… Nếu tôi tăng cường cho đồng chí một đại đội xe, liệu có làm được không?
- Thưa Tư lệnh, được! - Tôi khẳng định.
Hai ngày sau, Binh trạm chúng tôi nhận được cùng lúc hai đại đội xe Din-157 mới toanh. Một đại đội do Chủ nhiệm TCHC Đinh Đức Thiện điều cho; một đại đội do Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên bổ sung. Thế là trong tay chúng tôi có một lực lượng ô tô vận tải khá hùng hậu!
Những gì được nghe và trực tiếp làm viếc với tướng Đinh Đức Thiện, tôi nghĩ đúng là ông nóng tính như lửa, nhưng nóng tùy từng người và ông cũng là người rất Phục Thiện.
Phan Hữu Đại - (theo “Trường Sơn - miền ký ức”, Duy Tường biên soạn)