Đang trong phiên trực, những cánh ăng-ten khổng lồ của Trạm ra-đa 55, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) xoay tròn trong không gian. Đã vào mùa biển động nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây khá yên lòng, bởi đơn vị cách đất liền hơn 50 hải lý, giữa biển trời mênh mông, cánh ra-đa nơi đây được bảo vệ bằng những ngôi nhà composite hình cầu.
Thượng tá Phạm Duy Hoạt - Chính ủy Trung đoàn 292 chia sẻ với chúng tôi: Hầu hết các trạm của Trung đoàn đều đứng chân ngoài đảo, như các Trạm 11, 21, 44, 55, 57. Nhưng không phải bộ khí tài nào cũng được bảo vệ như ở Trạm 55. Có những nơi khí hậu khắc nghiệt, nhất là trong bão tố, những quả cầu composite vốn can trường là thế cũng trở nên mong manh. Chính bởi vậy, khi bắt đầu mùa biển động cũng là lúc trong mỗi người lính ra đa trên đảo cồn lên một miền ký ức. Thượng tá Phạm Duy Hoạt trầm ngâm: “Cuối năm 2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 16, Trạm 44 của chúng tôi đã bị sóng đánh tràn qua bờ tràn, ngập cả 2 bộ khí tài, ảnh hưởng công tác bảo đảm cho các trạm ngoài đảo, ảnh hưởng công tác tăng gia sản xuất và công tác thay quân”.
Thiếu tá Trần Văn Lô - kíp trưởng Sở chỉ huy Trung đoàn 292, mới từ Trạm ra-đa 11 trở về đất liền. Trên cương vị trạm trưởng anh hiểu tường tận về từng bộ khí tài ra đa. Anh bảo, ở ngoài đảo, mỗi xen-ti-mét trong ăng-ten đều được chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng chu đáo và cẩn trọng. Từ bôi mỡ đến sơn vòng trong, vòng ngoài. Chỉ sơ xuất một chút thôi, là gió muối đã xâm nhập, ăn mòn, gây rỉ sét. Hệ thống khí tài được bảo quản dưới hầm, mở phiên xong, cửa hầm cũng phải đóng liền tay, nếu không hơi muối sẽ bám dày lên thành tủ.
Đó là trong điều kiện khí hậu bình thường, đến mùa biển động thì việc bảo quản, bảo dưỡng khí tài càng phải được chú trọng nhiều hơn. Trước thực trạng các trạm ra đa trên đảo thường trải qua hơn 6 phải chịu cảnh gió và triều cường xâm nhập mặn vào khí tài, Thiếu tá Phạm Tài Tân - Trưởng ban Kỹ thuật Trung đoàn, người đã có gần 20 năm gắn bó với những trạm ra-đa giải thích với chúng tôi: “Với các trạm đứng chân trên đảo, ngoài bảo dưỡng theo quy định của Cục Kỹ thuật Quân chủng thì chúng tôi phải tổ chức làm nhiều hơn và các khâu, các bước rất chặt chẽ, cụ thể để tạo được hệ số dự trữ, dự phòng sẵn sàng chiến đấu”.
Đối diện với mùa mưa bão, mùa biển động, khí tài cần được bảo quản, bảo dưỡng với chế độ đặc biệt, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ canh trời bên cánh sóng còn cần tự xác định để cùng vững vàng nơi đầu sóng. Đã có 3 năm cùng đồng đội bên những cánh sóng ra-đa ngoài đảo, lại không biết bao lần ra thăm các trạm ngoài đảo trên cương vị một thủ trưởng Sư đoàn, Đại tá Hàn Anh Truyền - Phó chính ủy Sư đoàn 377 nghiệm ra rằng: “Ở các trạm ngoài đảo, vào mùa biển động, nỗi nhớ nhà tác động nhiều nhất; thứ hai là khí tài bị hơi muối mặn do sóng biển tác động rất nhiều nên máy móc các loại hay hỏng hóc, phải tổ chức sửa chữa và khắc phục nhiều; thứ ba là lượng tàu đảm bảo sẽ ít và thưa hơn nên đảm bảo rau xanh và các nhu yếu phẩm khác có lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bộ đội”.
Chính bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các trạm ra-đa của Trung đoàn 292 thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết là bài học về xây dựng ý chí quyết tâm. Mỗi lần thay quân, chỉ qua một thời gian ngắn cán bộ, chiến sĩ đã gắn bó và coi đảo, coi trạm là nhà. Do ý thức được, ở giữa đại dương mênh mông, cách đất liền hàng trăm hải lý, tinh thần tự lực, tự cường là điều tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ, nên không bao giờ họ ỷ lại. Trong sửa chữa khí tài, nhiều pan hỏng hóc không tự khắc phục được, anh em đã gọi về đất liền tả lại hiện tượng để các chuyên gia hướng dẫn sửa chữa. Trong công tác huấn luyện, các trạm lập kế hoạch sát với kế hoạch của Trung đoàn và phù hợp với tình hình đơn vị. Mỗi lần huấn luyện chiến đấu xong, đơn vị đều tổ chức rút kinh nghiệm cụ thể, tỷ mỷ. Qua mỗi phiên ban, trình độ, thao tác sử dụng khí tài, trình độ xử lý của trắc thủ nâng lên rõ rệt, từ khả năng phát hiện và thông báo mục tiêu, điều khiển ăng ten đến khả năng phân loại, làm rõ số lượng, độ cao mục tiêu...
Cùng với những khó khăn của thiên nhiên, thời gian gần đây, khi tình hình trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài mở máy theo phiên do Quân chủng cắt lịch, các trạm đã kịp thời mở tăng cường khi có lệnh, quản lý tốt các tốp không quân ta bay nhiệm vụ; phát hiện, thông báo, theo dõi chặt các tốp không quân nước ngoài hoạt động ở khu vực vùng biển, vùng trời đơn vị được phân công quản lí.
Phải luôn vững vàng căng cánh sóng trong mùa biển động! Tinh thần ấy đã ngấm vào suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ canh trời ở Trung đoàn ra-đa 292. Khi trò chuyện với chị Phạm Thị Mỹ Tình, vợ của Thiếu tá Phạm Tài Tân, chúng tôi hiểu rằng, tinh thần ấy còn thấm trong cả những người vợ, người con của lính canh trời: “Phụ nữ mà. Những lúc như vậy mình cũng rất yếu đuối. Cũng mong có chồng bên cạnh nhưng mình cũng biết công việc của chồng như thế nên tự động viên mình cố gắng vượt qua để chồng yên tâm công tác”.
Kể về người vợ của mình, Thiếu tá Phạm Tài Tân chia sẻ: Năm 2009, chị đi khám và phát hiện bị ung thư, đến năm 2017 thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn. Rất nhiều lần chị đi viện dài ngày, anh đều đang đi công tác tại các đảo, sau vài ba tháng mới trở về. Rồi đây, trong những mùa biển động, cả anh và chị đều vẫn xác định, khi cần, chị sẽ tự chống chọi với bạo bệnh để anh an lòng đi về miền bão tố. Và ở Trung đoàn ra-đa 292, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thức bên cánh sóng trong sự hy sinh lặng thầm như vậy của những người vợ lính.
Bảo Khánh