LTS: Trung tướng Anh hùng LLVND Nguyễn Phúc Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là vị tướng từng trải trân mạc, từng chỉ huy đơn vị tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Báo CCB Việt Nam xin được trích đăng kỷ niệm tham gia Tổng tiến công Xuân 1975 của Trung tướng.
…Vào cuối năm 1974, đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Sư đoàn 324, tôi được bổ nhiệm về giữ chức quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn 324. Vừa nhận nhiệm vụ, tôi cùng các đồng chí trong Phòng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu chuẩn bị chiến trường và phương án cho chiến dịch Trị Thiên - Huế theo lệnh của trên.
Nhiệm vụ trên giao cho Sư đoàn 324 là tiến công địch trên hướng tây nam Huế - chủ yếu theo đường 14 từ La Sơn đến Mỏ Tàu, điểm cao 303 Động Truồi, chia cắt bằng được đường số 1 (giữa Huế với Đà Nẵng).
Vào lúc 5 giờ 45 phút ngày 8-3-1975, Đại tá Nguyễn Duy Sơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 phát lệnh nổ súng tiến công. Lập tức, các cụm pháo của Sư đoàn ầm ầm, cấp tập nã đạn vào các điểm cao 303, 224, 75, 76 và Mỏ Tàu, núi Bông, núi Nghệ… Sau 20 phút bắn cấp tập, pháo ta chuyển làn sang bắn chi viện kiềm chế các trận địa pháo địch ở Mũi Né, La Sơn, Ấp 5 đã phản ứng nhanh chi viện cho lực lượng của chúng trên các mũi, các hướng bị ta tiến công.
Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 1 phát triển thuận lợi. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt, một số sống sót chay về phía La Sơn. Ta kịp thời truy kích, diệt gọn.
Trong khi đó, trên hướng chủ yếu của Trung đoàn 2, do Sư đoàn phó Minh Long và Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Mai chỉ huy, lại gặp khó khăn. Nguyên do là ta tổ chức trinh sát không kỹ, hiệp đồng chiến đấu không chặt; có mũi vào không đúng mục tiêu, mở cửa chậm, nên địch phát hiện và kịp thời chống trả, bịt được cửa mở. Ta không đưa được lực lượng vào trong căn cứ. Đến 10 giờ ngày 8-3, Tiểu đoàn 6 do thương vong nhiều, được lệnh tạm dừng tiến công, lùi về để củng cố lực lượng.
Đêm 8-3, tôi nhận được lệnh của Sư đoàn trưởng xuống trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 2 chiến đấu, tổ chức đánh chiếm ngay các điểm cao 303, 224… Nhận nhiệm vụ, tôi xuống ngay Trung đoàn. Biết tôi xuống trực tiếp chỉ huy đơn vị, anh em rất phấn khởi, tin tưởng, muốn chiến đấu lập công để giữ được danh dự của Trung đoàn 2.
Tôi cho họp Ban Chỉ huy trung đoàn, tổ chức trinh sát lại, nắm chắc tình hình địch và cho chuẩn bị sa bàn chi tiết. Sau đó, cho triệu tập hội nghị để rút kinh nghiệm, xác định quyết tâm, bàn kỹ lại cách đánh, cách sử dụng hỏa lực để mở cửa; nhất là tổ chức tuyến hỏa lực bắn thẳng chi viện cho lực lượng mở cửa.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 10-3, Trung đoàn 2 tiếp tục bước vào chiến đấu. Nhờ tập trung hỏa lực, hiệp đồng chặt chẽ tiến công địch, nên đơn vị nhanh chóng đánh chiếm được các mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Sư đoàn giao: đánh chiếm được các điểm cao 303, 224; tiêu diệt trên 200 địch, bắt 57 tên.
Hoàn thành nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 2 chiến đấu, tôi lại trở về cương vị quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn 324, tiếp tục cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy đơn vị đánh cắt đường số 1 quãng phía nam Huế. Thừa thắng, các trung đoàn trong đội hình Sư đoàn 324 tiến xuống đánh chiếm cửa biển Thuận An và cùng hợp vây, giải phóng T.P Huế vào trưa ngày 25-3-1975.
Về phía địch, sau khi để mất Tây Nguyên và hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng”.
Lúc này, tại Đà Nẵng quân địch dồn về rất đông. Là căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai miền Nam, nên vũ khí, trang bị hậu cần, kỹ thuật của địch còn rất nhiều. Tuy lực lượng đông, nhưng là quân ô hợp, tinh thần hoang mang, rệu rã cao độ. Nắm vững thời cơ và tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định: “Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt sinh lực lớn của địch tại Đà Nẵng. Quyết giành thắng lợi lớn trong trận quyết chiến chiến lược này. Tạo thời cơ lớn, kết thúc chiến tranh sớm”.
Chấp hành lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Quân khu 5 từ các hướng ào ạt mở nhiều đợt tiến công giải phóng Đà Nẵng. Quân đoàn 2 tiến công từ hướng Bắc và Tây theo trục đường số 1 và đường 14; lực lượng tham gia có Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 và các đơn vị binh chủng. Các lực lượng của Quân khu 5 đánh từ Tam Kỳ, Hội An bao vây Đà Nẵng từ Nam - Tây Nam.
Ngày 29-3-1975, T.P Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được giải phóng. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. Toàn bộ đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Trị Thiên Huế và chiến dịch Đà Nẵng, nhanh chóng củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí, gạo, đạn…; sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 22-4-1974, Sư đoàn 324 vui mừng nhận được lệnh cùng đội hình Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh; giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Cả Sư đoàn hành quân thần tốc theo đường số 1 vào Phan Rang để hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325… “Trong đội hình Cánh quân Duyên Hải” tiến vào tham gia giải phóng Sài Gòn - dinh lũy cuối cùng của địch.
Trên cương vị quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn, tôi đã cùng các anh trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức đội hình Sư đoàn 324 vào Phan Rang, Hàm Tân, Xuân Lộc; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh