Ở quận Ba Đình, T.P Hà Nội, con phố mà tôi đi làm hằng ngày, tuần trước một ngõ nhỏ bị rào kín lại - “nội bất xuât ngoại bất nhâp”. Tuy không có biển báo “cách ly” nhưng quen rồi, nhìn hàng rào “chính quy” là biết, ngõ phố có người nhiễm dịch Covid-19 phải cách ly.
Cẩn thận lắm, đối diện bên kia là tổ bảo vệ thường trực 3 người có ô che mưa nắng, bàn uống nước và mấy chai sát khuẩn. Một ngày, hai ngày; một tuần, hơn một tuần…, tôi vẫn thấy ngõ khóa chặt; hai dãy nhà chẵn - lẻ, cửa im ỉm khóa. Tuyệt nhiên không có bóng người qua lại.
Tôi tò mò lại gợi chuyện Tổ bảo vệ: “F0 là phải quản chặt?”. Một chị trong tổ nói: “F0 cho đi cách ly tập trung rồi. Đấy là F1”. Tôi hỏi tiếp, sao phải cách ly lâu thế, thì chị nói: “Phải đủ 14 ngày, kể cả xét nghiệm âm tính…”.
Tôi được biết, không chỉ con ngõ đang cách ly mà 100% người dân, từ 18 tuổi trở lên, kể cả tạm trú ở khu phố này đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin - nhiều người đã tiêm hai mũi vắc-xin. Con ngõ bị cách ly kia chắc cũng không phải ổ dịch nghiêm trong, vì không trong danh sách cảnh báo của thành phố. Tất cả chỉ là F1, xét nghiệm âm tính.
Cách ly như thế là theo kiểu “giữ nhầm còn hơn bỏ sót”. Nói thế, chứ “giữ nhầm” thì thật đáng tiếc, chả khác gì nhốt họ, vì 14 ngày bị cách ly là 14 ngày phải “điều khiển từ xa” cơm, áo, gạo, tiền. Người lớn đã đành, thương nhất là trẻ nhỏ.
Cần phải hiểu thích nghi với “bình thường mới” nghĩa là khác cũ. Ví dụ, những trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính thì không nhất thiết phải cách ly lâu thế. Đặc biệt là không cần phải cách ly nghiêm ngặt cả con ngõ, mà cách ly tại nhà.
Tất cả là do nhận thức của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, chứ chắc không phải như có dư luận cho rằng: Kinh phí trực cách ly mỗi ngày cũng kha khá…
Phạm Nguyễn