Ngoài phần nghi thức lễ hội, văn hóa tín ngưỡng tâm linh tại tỉnh Sóc Trăng điểm nhấn của Lễ hội Oóc Om Bóc có hoạt động thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer - chính là ngày hội đua ghe ngo truyền thống. Đây là dịp bà con Khmer vui chơi sau những ngày lao động vất vả, nhằm tưởng nhớ, tạ ơn thần mặt trăng - vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đưa thuỷ triều ra sông, phù hộ bà con trong phum sóc an lành, thành đạt...
Ông Lý Bình Cang - Trưởng ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, thành viên Ban tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần III, khu vực ĐBSCL 2017 cho biết, năm nay, có 62 chiếc ghe ngo (50 ghe nam và 12 ghe nữ) trong tỉnh và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang... tham gia. Mỗi chiếc ghe ngo trung bình dài khoảng 30m, có sức chứa từ 55-60 người. Một đội ghe ngo có từ 100-120 người, nên đòi hỏi Ban tổ chức và vận động viên phải có tính đoàn kết rất cao. “Đua ghe ngo là môn thể thao đòi hỏi nhiều khía cạnh chuyên môn về sức bền, quá trình tập luyện… Trong đó, yếu tố quan trọng nhất và quyết định sự thành bại của các đội ghe chính là sự đồng lòng của cộng đồng cư dân trong phum sóc, từ huấn luyện đến các vận động viên trong từng nhịp còi và nhịp dằm. Có thế, khi tham gia đua thì mới đưa chiếc ghe ngo về đích sớm” - ông Cang nói.
Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. Từ lâu, đua ghe ngo là môn thể thao hấp dẫn, sôi động và hào hứng. Đua ghe ngo thường hai chiếc (một cặp) thi đấu với nhau trên đoạn sông dài 1.200m đối với nam (800m đối với nữ). Vào ngày đua, cả một đoạn sông Maspero (T.P Sóc Trăng - nơi tổ chức đua ghe ngo) chật kín người hai bên bờ, tiếng trống, cùng dàn nhạc ngũ âm, tiếng còi rộn rã từng hồi. Khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng cặp ghe đua phóng nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa hoà trong tiếng reo hò vỗ tay cổ vũ náo động cả mặt sông; hàng chục vạn đôi mắt chăm chú theo dõi từng cặp ghe đua với những tay chèo lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp, cúi rạp người vung chèo đều tăm tắp theo nhịp thổi tu huýt, phiêng la, đẩy chiếc ghe ngo phóng nhanh về đích.
Kịch tính thi đấu là vậy nhưng mọi người không quá đặt nặng chuyện thắng thua, bởi phần thưởng lớn nhất chính là tinh thần đoàn kết và sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Hòa thượng Tăng Nô - trụ trì Chùa Khléang (T.P Sóc Trăng) nói: “Đua ghe ngo không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng. Mũi và đuôi cong vút tạc hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sắc sặc sỡ. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả... Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ. Mỗi chiếc ghe ngo có những biểu tượng khác nhau thường là khala (con cọp), rồng, sư tử, cá pon-co… và được chạm khắc ở mũi ghe”.
Còn anh Lâm Văn Dũng - đội trưởng đội ghe ngo Chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) chia sẻ: Đua ghe ngo là một trong những sự kiện quan trọng mà đồng bào chúng tôi chờ đợi nhất trong năm. Nhìn những lượt ghe thi nhau lao về phía trước trong tiếng reo hò vang dội, bao muộn phiền, mệt nhọc bỗng tan biến hết. Tình cảm của các dân tộc anh em từ đó mà thêm gắn kết, bền chặt hơn.
Dự Lễ hội Oóc Om Bóc, đến Sóc Trăng du khách được tham gia lễ cúng trăng, thưởng thức cốm dẹp và được xem đua ghe ngo truyền thống đậm dấu ấn và truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer. Về các phum sóc Sóc Trăng hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay và phát triển của người Khmer qua từng câu hát Dù kê, điệu múa dân gian truyền thống, qua nét mặt hồ hởi, ánh mắt tràn đầy niềm tin, cuộc sống ấm no hơn.
Bài và ảnh: Phương Nghi