Ký ức một thời hoa lửa

 Nguyễn Văn Trụ 23/07/2025 - 17:35

Cứ mỗi độ tháng bảy về, lòng tôi lại trào dâng những ký ức một thời hoa lửa. Tiếng ve râm ran cứ gợi dậy những ngày hành quân giữa rừng sâu, những ánh mắt đồng đội trước giờ ra chiến trường, những tiếng gọi nhau trong sương sớm mang cuốc xẻng đi phá núi, mở đường...

Tôi lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, tuổi thơ gắn với những ngày đầu đội mũ rơm, chân len giao thông hào tới lớp. Nhiều tiết học bị ngắt quãng, thầy trò dắt nhau chạy vội vào hầm trú ẩn trong tiếng máy bay địch rít gào trên không. Ngôi trường nằm cạnh những ụ đất, hầm và lối thoát hiểm tự tay dân làng đắp nên. Dù gian khó, chúng tôi vẫn tới lớp đều đặn, mang theo ước mơ và niềm tin vào ngày thống nhất đất nước.

ccb-nguyen-van-tru
CCB Nguyễn Văn Trụ.

Với khí thế hào hùng, quyết tâm cống hiến vì mong ngày thống nhất, từng lớp thanh niên hăng hái lên đường theo tiếng gọi của Đảng. Ngày 13-3-1973, mới 16-17 tuổi, chưa đến tuổi đi nghĩa vụ nhưng tôi và mấy người bạn thân đã ghi tên tình nguyện vào thanh niên xung phong (TNXP), đi phá núi, mở đường. Biết tin - mẹ tôi đã đi bộ 15km từ nhà ra điểm tập trung ở xã Hoằng Vinh, tiễn con. Nước mắt lăn dài, mẹ lặng lẽ căn dặn đủ điều, cầu mong chiến tranh sớm qua, đất nước sớm thống nhất.

Sáng hôm sau, chúng tôi hành quân tới Quan Hóa, đi bộ qua phà Hồi Xuân, rồi tiến về km23 thuộc xã Nam Động. Đội TNXP 4202-C207-A7 được giao nhiệm vụ mở tuyến quốc lộ 16 xuyên qua rừng núi hiểm trở, nối Quan Hóa đến Mường Lát, Pù Nhi.

Chúng tôi ở nhờ nhà bà con dân tộc Thái, mỗi nhà tiếp nhận 6 người lính trẻ. Mỗi ngày, tiếng cuốc xẻng chan chát vang lên trong núi rừng. Những lúc không có máy bay địch, không có bom rơi, là những tiếng hò vui vang vọng hòa cùng tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách, tất cả làm nên bản hòa ca của sức trẻ và niềm tin vào tương lai đất nước.

Bữa ăn thường ngày của chúng tôi giản dị đến tận cùng: Cơm độn bo bo, mì luộc với muối rang, canh rau từ miền xuôi đưa lên đã rụng gần hết lá chỉ còn có cuộng. Nước cơm cháy thay nước chè. Nhưng đó là những bữa cơm đầy nghĩa tình. Bà con người Thái ân cần chuẩn bị thêm phần xôi độn với sắn, ngô, đôi khi có củ mài, cho chúng tôi ăn thêm mỗi chiều tan ca.

Tháng 10-1974, trong khi thi công mở đường, tôi bị giãn phế quản, ho ra máu. Tôi được điều trị tại nhiều bệnh viện như Bạch Mai, 108, Lao phổi T.Ư... nhưng không có kết quả. Đến năm 1975, tôi được chuyển tới Bệnh viện Việt - Đức. Tại đây, lần đầu tiên trong ngành y học Việt Nam, các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật nút động mạch phổi bằng điện quang can thiệp. Bệnh viện Việt - Đức là bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật dùng ống thông luồn vào mạch máu, lấy các cục máu đông, nút mạch và đặt stent. Phổi tôi đã không còn chảy máu. Tôi đã giữ lại sự sống.

Sau những ngày điều trị ở bệnh viện, tôi trở lại đơn vị tiếp tục phục vụ, hoàn thành nhiệm vụ. Từng ngày gian khó đã rèn giũa tôi bằng cả khát vọng, bằng sự nhẫn nại và bằng niềm tin vào một ngày đất nước được hòa bình, thống nhất.

Giờ đây, tuổi đã cao, tóc đã bạc, đồng đội ở tản khắp nơi; chúng tôi, những người đã cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước, luôn tự hào về một Việt Nam kiên cường, trong gian khó chiến tranh, đất nước không ngừng tiến lên. Và chúng tôi tin tưởng vào đất nước trong giai đoạn phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới, tin vào khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển...

Đọc tiếp

Mới nhất

Ký ức một thời hoa lửa