Lên cấp ba, tôi đã ghi đến cuốn thứ tư. Đó là một quyển sổ dày, bìa cứng, gáy có dòng kẻ mạ vàng, tôi dành dụm mãi mới mua được. Tôi mãn nguyện về cuốn sổ đẹp, cũng như tự mãn nguyệt về mình. Dì tôi bảo: “Con có mái tóc dài óng mượt của con gái, bên ngoại nhà ta, có đôi mắt của bà, làn da của mẹ, cái trán của cha, xin xắn nhất nhà, nhưng phải chăm học để được ngoan, được giỏi, cho cha con ở chiến trường yên lòng chiến đấu”. Vắng cha nhờ chú, sảy mẹ bú dì, tôi luôn coi dì như mẹ, lời dì tôi ghi tạc đáy lòng. Tôi học càng chăm, càng giỏi; vào lớp cuối cấp ba, lúc bạn gái xì xào bảo tôi xinh nhất trường. Toi thường được nghe những lời khen ngợi, chòng ghẹo bóng gió, xa gần của các bạn trai và thi thoảng cũng nhận được những bức thư viết trên giấy pơ- luya hồng, mỏng như cánh bướm, tỏ tình cảm của các bạn cùng trường, cùng lứa. Nhiều người viết thư dai dẳng; nhiều người đến nhà chơi, nhiều người hò hẹn đưa đón khi tới lớp, lúc tan trường. Tất thảy, tôi đều tế nhị từ chối theo kiểu: “Em còn bé lắm, mấy anh ơi”. Tất nhiên trong nhật ký, tôi ghi lại trung thực những cảm nghĩ và những rung động, xao xuyến đầu đời của tâm hồn, tự đáy lòng mình với mỗi người, mỗi sự việc. Hơn bao giờ hết, nhật ký và tôi gắn bó, vô cùng thiêng liêng, thân thiết.

Ngày ấy, khi “phượng lập lòe, ve náo nức”, cũng là lúc lũ chúng tôi bước vào ôn tập tốt nghiệp và ôn thi đại học. Cánh tôi gầu như cuốc với những môn xã hội, cày như trâu với các môn tự nhiên; hối hả ngày đêm mà vẫn sợ không kịp. Nhờ sức học đều các môn nên tôi không đến nỗi vất vả, trừ môn sinh học. Chương trình phổ thông năm ấy có bổ sung thêm phần di truyền và lần đầu tiên, cánh tôi được làm những “bài toán” lai ghép về phấn cà chua vàng rơi vào nhụy cà chua đỏ, về trâu đen lai trâu trắng, những thế hệ F1, F2, F3, nghe sao mà rắc rối!

Ở lớp cùng nhiều đứa lơ mơ về khoản toán di truyền như tôi. Có đứa đã chặc lưỡi:

  • Bỏ! Lấy điểm môn khắc bù vào, cốt là không bị điểm liệt.

Giữa lúc ấy thì Tuấn Múi, tập hợp cả lớp lại “phụ đạo” về cách công phá các bài toán sinh học. Tuấn học cùng lớp tôi đã chục năm nay. Anh chàng cao kều, ngồi cuối lớp, mạnh dạn trong học tập nhưng nhút nhát với con gái. Trời phú cho hắn có một trí nhớ đặc biệt. Các công thức toán, lý, hóa dài mấy, hắn cũng thuộc. Những ngày tháng lịch sử trung đại, cổ đại, các triều vua, những cuộc khởi nghĩa ngày, tháng, năm nào hắn cũng nhớ vanh vách. Lũ bạn trai gọi hắn là Tuấn Múi, vì đầu như dưới làn tóc rễ tre rậm rạp, da nâu hắn phá triển gồ ghề, như một sa bàn mặt trận, toàn những núi đồi và suối khe, không có chút bình nguyên nào cả.

Quả thực Tuấn Múi vừa có tri thức về sinh học, lại có kiểu nói dễ nghe, nên từ buổi phụ đạo ấy, tôi học được hắn cách “công phá” giải mã các bài toán sinh, để chỉ sau một tuần tự học và hỏi thêm hắn được vài “chiêu” nữa thì hầu như, các bài toán sinh học, rắc rối mấy cũng đều bị tôi chinh phục dễ dàng, ngon lành.

Cũng từ độ ấy, hình như tôi có cảm tình với hắn, tim tôi xao xuyến khi bắt gặp hắn nhìn trộm mình. Nhiều lần ngồi học cùng nhau trong lớp vắng, tôi đã kể cho hắn về gia đình mình, về những trò chơi và kỷ niệm thời ấu thơ, về ước nguyện sẽ làm một cô giáo sinh học ở trường quê. Tôi sẽ dạy cho các em nhỏ yêu môn sinh, yêu cỏ cây hoa lá, chim thú của tự nhiên để rồi yêu thương hơn nữa hạt lúa, củ khoai và yêu những con người cổ cày vai bừa, hai sương một nắng. Nghe tôi kể, hắn ngước nhìn, một cái nhìn thật khó tả, ánh mắt như có lửa, ấm áp và nồng nàn. Lần đầu tiên, mắt tôi dám nhìn một thằng con trai có lông mày rậm, đen như mực tầu, có cặp mắt sáng trong và tròng mắt đen nhánh, lập lánh như ánh thép. Hắn nói: Mình cũng có nhiều ước mơ, nhưng trước mắt phải vào lính đã. Nhà mình chưa có ai làm nghĩa vụ với nước non. Rồi hắn cười, nhắc lại câu nói của ai đó như một châm ngôn quen thuộc ấy: “Cuộc đời đẹp nhất là sống trên trận tuyến chống quân thù”.

Cứ gặp nhau chập chờn như vậy, rồi bài vở cuốn hút chúng tôi, song đều đều, tôi thường ghi nhật ký và bây giờ trong những dòng tự sự về đời, về mình, có những dòng viết về hắn. Tôi không giấu lòng mình rằng tôi rất cảm tình với hắn! Tôi ghi lại những cảm xúc, những ý tứ ẩn chứa trong những câu bâng quơ, không đầu, không cuối mà chúng tôi thường trao đổi. Tôi không gọi đích danh tên hắn nhưng nếu ai đó trong lớp chúng tôi xem được, cũng đủ hiểu rằng những dòng đó tôi viết cho hắn, viết về hắn và không loại trừ cả viết vì hắn.

Hôm ấy, như mọi lần, khi đã mệt nhoài vì học bài và làm bài, khi đầu óc mụ mị vì làm việc vất vả, tôi lần giở đến nhật ký và hy vọng ở đó đã có phút giây thư giãn. Khi lật sang trang mới để ghi tiếp thì thật bất ngờ ở giữa trang, hiện ra một dòng chữ được kẻ công phu, nắn nót, choán hết cả trang sổ:

Forget me not (Đừng quên anh).

Không cần phải lục vấn ai, không còn nghi ngờ gì nữa, nhìn vào nét chữ quen thuộc và màu mực tím còn tươi rói, tôi biết ngay, đó là hắn. Chữ của hắn.

Run lên vì giận, tôi nghĩ tới những phút hắn “đặc công” được quyển sổ, rồi hắn đọc. Chao ơi, bao nhiêu điều thầm kín của riêng tôi gửi vào nhật ký hắn đã biết hết. Tôi hình dung ra dáng vẻ hắn tự đắc, sung sướng, lắc lư cái đầu bù xù của mảng tóc dày, ngốn ngấu đọc những dòng nhật ký chan chứa tình cảm của tôi về hắn, để cái miệng rộng duềnh ra một nụ cười khinh mạn, tinh quái. Tôi không thể viết nhật ký được nữa vì sự tức tối, uất ức, hờn dỗi đang dâng đầy ắp, bởi lòng tự ái của bản thân bị xúc phạm. Quyết phải gặp ngay hắn, gặp ngay lúc này, ngay bây giờ, để “cho hắn một trận”. Tôi sẽ nói, nói nhiều, nói cho hả giận, cho bõ tức, cho đỡ xấu hổ và để cho hắn biết, xem trộm nhật ký của người khác là xấu như thế nào; viết bậy vào sổ người khác càng là người bất lịch sự như thế nào. Lời cay nghiệt đang chờ dành cho hắn.

Tôi vun vút đạp xe qua cách đồng quê, qua một thôi đê rồi rẽ vào xóm Trại, nơi có ba gian nhà nhỏ lợp mái gồi, khiêm tốn nép bên hàng tre. Mẹ hắn kê ghế ngồi tựa cửa, tay cầm quạt mo cau, ngày hè mà cụ lại có vuông khăn bằng vải diềm bâu, dấn bùn, vắt qua vai, dáng ngồi thật lạ. Thấy tôi, mắt mẹ nhòe lệ, mẹ đưa vuông khăn lên thấm mắt rồi nói như trách:

  • Thu đấy ư con, sao sang chậm thế, thằng Tuấn đi rồi. Nó nhận lệnh từ mấy hôm trước, nó giấu mẹ, và dặn cả mọi người giấu mẹ. Trưa nay nó mới báo tin và xế chiều chú Tố xã đội trưởng mang xe đạp đến đèo đi. Lạ thế, mấy ngày qua nó vẫn học bài, đêm khuya lại vào giường ngủ với mẹ. Nó phủ vuông khăn này lên gối, vừa nằm vừa thơm vuông khăn, vừa đọc đi đọc lại mãi câu thơ như trêu đùa với mẹ:

“…Bầm ra ruộng cấy bầm run,

Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non…” (Tố Hữu)

Bao nhiêu hờn dỗi tức tối trong tôi biến đi đâu hết, tôi buông xe, ôm lấy mẹ và khóc nức nở, rồi khóc lặng lẽ… Tự nhiên tôi thương mẹ, thương mình và như cả thương Tuấn nữa, một tình thương da diết, có cái gì đó nuối tiếc. Linh cảm mách bảo với tôi rằng mình vừa mất đi một thứ vô cùng quý giá vô ngần mà không thể bao giờ gặp lại. Cổ họng như nghẹn tắc, tiếng nấc cứ muốn dồn ra. Lạ thế!

Bàn tay gầy của mẹ vỗ nhè nhẹ lên vai như dỗ dành. Tôi tin cậy gục đầu vào lòng mẹ, mùi thơm trầu thuốc đọng trong vuông khăn, trong người mẹ tỏa lan vào ngực, vào phổi. Mùi thơm ấm áp, nồng đượm, gần gũi, thân thương, như có từ kiếp trước, như thuở lọt lòng tôi đã nhận được tận hưởng của bà, của dì đã quên, đã nhớ, đã nghiện mùi thơm ấy, và giờ đây được gặp lại, được thụ hưởng, mùi thơm ấm nóng, làm tôi tĩnh tâm lại.

Mẹ bảo:

  • Thằng Tuấn báo tin vội quá, mẹ không kịp nấu cho nó được bữa cơm đàng hoàng. Nó đi rồi, mẹ mới bắc được chõ xôi đỗ, thứ mà thường ngày nó rất thích ăn. Hay mẹ gói con đưa lên huyện đội, may ra nó còn ở đấy.

Tôi vùng dậy, đạp xe đi, toòng teng bên người là mo xôi của mẹ. Mùi cơm nếp thơm như hương đồng từ những nhành lúa đang phơi màu, đung đưa trước gió tỏa lan, tỏa lan. Huyện đội sơ tán, có mấy gian nhà lá khiêm tốn nép mình bên đồi sim. Những bông sim cuối mùa tím ngắt, vô tư vẫy gió ngàn như trêu người. Nghe tôi trình bày xong, chú trực ban giở sổ xem rồi bảo:

  • Nguyễn Việt Tuấn, người thôn Đông, hợp tác xã Đồng Tâm. Tuấn được chọn vào binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ”; xe đơn vị vừa về đón đi.

Trời đã sầm tối, tôi che nón, lí nhí chào chú thường trực để cố giấu hai dòng lệ đang chực trào ra. Con đường đất đỏ trước mặt đang dần biến thành màu nâu non vắt qua đồi, cong queo, uốn lượn, ẩn hiện gần xa. Con đường ấy về đâu? Chắc chắn trên đó xe đơn vị đang đưa Tuấn đi xa, đi xa…

Nhà chẳng đỏ đèn, song nếu tinh ý mới thấy ngọn đèn dầu hỏa vặn nhỏ, tạo thành một điểm sáng màu xanh thẫm như hạt đỗ. Hồi còn học đêm ở lớp sơ tán, những khi có báo động máy bay, tôi và Tuấn đều vặn ngọn đèn nhỏ như thế. Tôi vụng, thường vặn quá tay, đèn tắt mất. Riêng Tuấn, đèn hắn luôn ủ ngọn lửa xanh nhỏ như niềm tự hào về bàn tay khéo léo của hắn, để hết báo động, lại có lửa chia đến cho cả lớp. Mẹ vẫn ngồi ở chỗ cũ, dáng ngồi như không đổi. Đêm ấy, tôi ở lại với mẹ, trằn trọc, bâng khuâng, rồi thiếp đi trong ngái ngái thơm nồng trầu thuốc.

Sau dịp ấy là việc học, việc đời dồn dập, tuổi thơ và những dòng nhật ký thường ngày không còn được ghi tiếp nữa. Tôi cảm thấy như mình lớn hẳn lên, đã người lớn rồi. Nhật ký của một thời đẹp nhất, một thời con gái, một tuổi hoa niên của tôi đọng lại ở dòng cuối cùng:

Forget me not.

Kỷ niệm, ngày ấy, Tuấn đi và đến tận hôm nay, Tuấn vẫn chưa về…

Truyện ngắn của Lê Thuần Thảo