Mô hình tuyến đường xanh và đầm sen do Hội CCB và Hội phụ nữ xã Đại Đồng kết hợp xây dựng, quản lý.
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), với quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với những cách làm sáng tạo, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, T.P Hà Nội đã thực sự chuyển mình, từ NTM lên NTM nâng cao. Đến nay, xã đã hoàn thành đủ tiêu chí đạt NTM kiểu mẫu.
Nhiều cách làm sáng tạo
Năm 2010, Đại Đồng là xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện Thạch Thất và đã hoàn thành năm 2013. Đến năm 2018, xã tiếp tục được huyện chọn làm điểm xây dựng xã NTM nâng cao và hoàn thành năm 2020. Nay, Đại Đồng tiếp tục là xã đầu tiên của huyện Thạch Thất hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Kết quả này là minh chứng về một miền quê luôn là “điểm sáng” của huyện Thạch Thất nói riêng và T.P Hà Nội nói chung trong các phong trào thi đua.
Bà Kiều Thị Khuyến - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ: Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện; sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự vào cuộc quyết liệt của UBND xã, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể từ xã tới thôn, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong xã, kinh tế vẫn phát triển, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo được quan tâm, công tác cải cách, kỷ cương hành chính được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được hoàn thành tốt.
Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất đạt 99,7% kế hoạch, tăng 12,5% so với năm trước, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, thu từ thương mại, dịch vụ chiếm 48,6%, thu từ công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 39,9%, còn thu từ nông nghiệp chỉ chiếm 13,5%. Tổng thu ngân sách đạt 102% kế hoạch, tổng chi ngân sách đạt 80% kế hoạch, công tác quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ đúng quy định.
Về văn hóa - xã hội, các nhà trường THCS, tiểu học và mầm non đảm bảo giữ vững được chất lượng dạy và học đứng vào tốp đầu của huyện, năm học 2021-2022, Trường mầm non đạt tập thể Lao động tiên tiến, có 5 Chiến sĩ thi đua và 37 Lao động tiên tiến, Trường tiểu học đạt Tập thể lao động tiên tiến, có 6 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 36 giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; trường THCS được UBND thành phố tặng Bằng khen, có 1 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và 27 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
Cả xã Đại Đồng năm 2022 có 82 học sinh đỗ vào các trường đại học. Trong đó, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa gắn với cuộc thi giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn được duy trì thực hiện tốt, năm 2022 có 6/6 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, số hộ Gia đình văn hóa đạt 96%, tăng 1,89% so với năm trước và tăng 2% so với kế hoạch. Ngoài ra, các mặt công tác y tế, dân số và gia đình, công tác LĐTBXH, nhân đạo, từ thiện thường xuyên được thực hiện tốt, nhất là chăm lo chế độ chính sách cho gia đình liệt sĩ, thương binh, Người có công, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Về công tác xây dựng NTM, xã có 25 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó 14 dự án đã triển khai, ngoài ra thôn 5 còn xây dựng cổng thôn bằng nguồn xã hội hóa, thôn 6 xây dựng văn chỉ của thôn bằng nguồn xã hội hóa…
Xây dựng quê hương thành nơi đáng sống
Năm 2023, xã Đại Đồng đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất tăng 13,5% so với năm 2022, cơ cấu sản xuất thương mại, dịch vụ chiếm 49,3%, công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 38,2% ,nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi) chiếm 12,5%. Duy trì xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95% trở lên, có 6/6 thôn và 6/6 cơ quan giữ vững danh hiệu văn hóa, 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; toàn xã không còn hộ nghèo...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng - Khuất Thanh Huyền: Đại Đồng được biết đến là đất học, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từ năm 2020, địa phương cũng đã xây dựng được thư viện xã với 2.300 đầu sách. Năm 2022, thư viện đón 3.106 lượt người đến đọc và mượn sách. Đến nay, các thôn đều có Nhà văn hóa khang trang, là nơi sinh hoạt, hội họp và rèn luyện thể thao cho người dân. Địa phương cũng quy hoạch Trung tâm thể thao xã diện tích lớn, với kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng cùng Nhà văn hóa 400 chỗ ngồi. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao cho nhân dân.
Thực hiện mô hình “thôn thông minh”, Đại Đồng lắp đặt được 28 thiết bị wifi miễn phí tại 18 điểm như trụ sở UBND xã, khu vực tiếp dân của Công an xã, Trạm y tế xã, Nhà văn hóa các thôn, các đình, chùa trên địa bàn, giúp nhân dân thuận tiện khi truy cập internet phục vụ đời sống và giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2021 đến nay, Đại Đồng xã hội hóa được 274 triệu đồng lắp đặt hệ thống camera an ninh tại 6 thôn để kiểm tra, giám sát an ninh trật tự trên địa bàn. Trong hành trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, với những cách làm sáng tạo, cán bộ và nhân dân Đại Đồng đã chung sức xây dựng quê hương thành nơi đáng sống.
Võ Hóa